|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Franchise Agreement) là gì? Ưu điểm và nhược điểm

11:01 | 07/09/2019
Chia sẻ
Hợp đồng nhượng quyền thương mại (tiếng Anh: Franchise Agreement) là hình thức thâm nhập thị trường phổ biến của các công ty nước ngoài nhằm phát triển thương hiệu ở mức toàn cầu.
Franchise-Agreements-for-all-Types-of-Businesses

Hình minh họa. Nguồn: advomi.com.sg

Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại trong tiếng Anh gọi là Franchise Agreements.

Hợp đồng nhượng quyền thương mại là một phương thức xâm nhập thị trường nước ngoài trong đó một công ty (nhà sản xuất độc quyền) cung cấp cho một công ty khác (đại lí đặc quyền) một tài sản vô hình cùng với sự hỗ trợ trong một thời gian dài. Để đổi lại, nhà sản xuất độc quyền thường nhận được tiền thù lao. Đó là một khoản phí cố định trả trước và tiền kì vụ hoặc cả hai.

Hợp đồng nhượng quyền và hợp đồng sử dụng giấy phép

Hợp đồng nhượng quyền cho phép công ty kiểm soát tốt hơn việc bán hàng hóa của họ trên thị trường mục tiêu. Đại lí đặc quyền đòi hỏi phải đáp ứng được các chỉ dẫn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, công tác quản lí, hoạt động tiếp thị và quảng cáo.

- Hợp đồng sử dụng giấy phép tương đối phổ biến ở các ngành công nghiệp chế biến, trong khi đó hầu hết hợp đồng nhượng quyền được áp dụng trong các ngành công nghiệp dịch vụ như bán lẻ xe hơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ kinh doanh khác.

- Hợp đồng sử dụng giấy phép thường chỉ trao các tài sản vô hình là hết nghĩa vụ, trong khi đó hợp đồng nhượng quyền đòi hỏi phải có thêm sự hỗ trợ tiếp tục từ phía nhà sản xuất độc quyền như đào tạo quản lí, tư vấn địa điểm hay các hoạt động quảng cáo...

Ưu điểm của hợp đồng nhượng quyền

- Hình thức này có chi phí và rủi ro thấp, đặc biệt với các công ty theo đuổi chiến lược toàn cầu dựa vào các sản phẩm tiêu chuẩn hóa trên thị trường quốc tế. Sử dụng hình thức này cho phép các nhà kinh doanh có sự thống nhất thông qua việc ra các bản sao tiêu chuẩn trên từng thị trường mục tiêu.

- Hình thức này cho phép công ty mở rộng thị trường nhanh chóng về phương diện địa lí. Các công ty có thể có thêm kiến thức về văn hóa và kĩ năng từ các nhà quản lí tại địa phương, nhờ vậy có thể giảm rủi ro kinh doanh trên các thị trường không quen thuộc, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nhược điểm của hợp đồng nhượng quyền

- Việc quản lí một số lượng lớn các đại lí đặc quyền trên các thị trường khác nhau thực sự cồng kềnh và phức tạp. Để kiểm soát tốt hơn công ty phải thành lập một đại lí đặc quyền chính trên mỗi thị trường.

- Khi thâm nhập một thị trường mới, các công ty sẽ phải đối mặt với những rào cản có thể gây khó khăn nếu dập khuôn theo phương pháp đã áp dụng tại thị trường nội địa. Nếu càng điều chỉnh theo những điều kiện khác biệt của nước sở tại thì sản phẩm của công ty càng ít độc đáo để thu hút các nhà kinh doanh tiềm năng và khách hàng.

- Các công ty nhỏ với những nhãn hiệu hay mác sản phẩm kém nổi tiếng sẽ khó có thể thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua hợp đồng nhượng quyền.

(Theo Giáo trình Kinh doanh quốc tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Bao Anh Dang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.