|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì?

11:15 | 09/01/2020
Chia sẻ
Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán được hiểu là sự thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán (bên cung ứng dịch vụ) với tổ chức phát hành chứng khoán (bên sử dụng dịch vụ).
Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: dodsonlegal)

Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán

Khái niệm

Bảo lãnh phát hành chứng khoán tạm dịch sang tiếng Anh là Securities issuance guarantee.

Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán được hiểu là sự thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán (bên cung ứng dịch vụ) với tổ chức phát hành chứng khoán (bên sử dụng dịch vụ).

Theo đó bên cung ứng dịch vụ cam kết thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại, hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa bán hết, hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chúng.

Về bản chất pháp lí, hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán thực chất là một hợp đồng dịch vụ thương mại. 

Hợp đồng này có đối tượng là một công việc mà bên cung ứng dịch vụ cam kết thực hiện cho bên sử dụng dịch vụ để được nhận tiền công dịch vụ là phí bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Phân loại hợp đồng

Trong thực tiễn kinh doanh chứng khoán, tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán có thể kí kết những loại hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khác nhau, tuỳ thuộc vào nhu cầu hưởng phí và khả năng tài chính của họ. 

Các loại hợp đồng này bao gồm:

- Cam kết bảo lãnh chắc chắn

Đây là loại hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán mà theo đó, bên bảo lãnh phát hành cam kết sẽ phân phối hết số chứng khoán dự kiến phát hành trong thời hạn phát hành chứng khoán.

Với cam kết này, tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ mua vào toàn bộ số chứng khoán của đợt phát hành để sau đó phân phối lại cho nhà đầu tư và tự chịu trách nhiệm về các rủi ro của việc phát hành, hoặc tiếp nhận toàn bộ chứng khoán từ tổ chức phát hành để phân phối cho nhà đầu tư với trách nhiệm mua nốt số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết khi kết thúc đợt phát hành.

Loại hợp đồng này tỏ ra rất có lợi cho tổ chức phát hành chứng khoán vì dường như họ không phải lo lắng gì về nguy cơ thất bại của đợt phát hành chứng khoán. Tuy nhiên, bù lại họ sẽ phải trả một mức phí dịch vụ cao hơn cho tổ chức bảo lãnh phát hành chứng khoán.

- Cam kết đại lí phát hành chứng khoán

Đây là loại hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán mà theo đó bên bảo lãnh phát hành chỉ cam kết sẽ cố gắng hết sức để phân phối chứng khoán cho nàh đầu tư chứ không cam kết sẽ mya lại số chứng khoán còn thừa khi kết thúc đợt phát hành. 

Với cam kết này bên bảo lãnh phát hành không bị ràng buộc với lời hứa mua lại số chứng khoán bị tồn đọng nhưng cũng vì thể mà họ chỉ nhận được một khoản phí dịch vụ ít hơn so với trường hợp cam kết bảo lãnh chắc chắn.

- Cam kết bảo đảm tất cả hoặc không

Đây là loại hợp đồng dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán ít phổ biến, theo đó tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết sẽ phân phối hết số chứng khoán tối thiểu cần bán theo yêu cầu của tổ chức phát hành, nếu không được như vậu thì sẽ huỷ bỏ đợt phát hành và trả lại tiền đặt mua chứng khoán cho các nhà đầu tư. 

Với cam kết này, bên bảo lãnh phát hành chỉ được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ chức phát hành khi số chứng khoán tối thiểu đã được phân phối hết cho nhà đầu tư theo đúng yêu cầu của tổ chức phát hành và khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành mới có quyền đòi phí bảo lãnh phát hành chứng khoán.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Chứng khoán, NXB Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ nhất)

Diệu Nhi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.