|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hình thành doanh nghiệp (Business Formation) là gì? Các nội dung cơ bản

14:56 | 25/11/2019
Chia sẻ
Hình thành doanh nghiệp (tiếng Anh: Business Formation) là công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng, nó quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Vì thế, phải nghiên cứu kĩ lưỡng những nội dung chủ yếu có liên quan đến hình thành đó.
Hình thành doanh nghiệp (Business Formation) là gì? Các nội dung cơ bản về hình thành doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Risso IP)

Hình thành doanh nghiệp

Khái niệm

Hình thành doanh nghiệp trong tiếng Anh là Business Formation.

Hình thành doanh nghiệp là việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để hình thành nên một tổ chức kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư phải chuẩn bị trụ sở, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, thiết bị kĩ thuật, đội ngũ nhân công, quản lí,…

Nội dung cơ bản của hình thành doanh nghiệp

Hình thành doanh nghiệp bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung cơ bản như:

- Nghiên cứu thị trường, môi trường kinh doanh và cân nhắc cơ hội kinh doanh.

- Nghiên cứu và lựa chọn hình thức pháp lí doanh nghiệp.

- Nghiên cứu và lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp.

- Nghiên cứu và thiết lập hệ thống sản xuất.

1. Nghiên cứu thị trường và môi trường kinh doanh

Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh xác định. Mặt khác, doanh nghiệp được xây dựng và phát triển nếu như đáp ứng được một loại cầu nào đó của thị trường. Chính vì lẽ đó, mọi doanh nghiệp chỉ có thể được hình thành trên cơ sở nghiên cứu kĩ lưỡng thị trường cũng như các điều kiện cụ thể của môi trường.

Nghiên cứu thị trường và môi trường kinh doanh là công việc cần thiết vì nó liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

2. Nghiên cứu và lựa chọn hình thức pháp lí của doanh nghiệp

Đây là nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành doanh nghiệp, do tác động của hệ thống luật pháp. Nhân tố này có thể thay đổi theo sự hoàn thiện của pháp luật.

Hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại một số hình thức pháp lí doanh nghiệp như: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã…

3. Nghiên cứu và lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp

Lựa chọn địa điểm đặt doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, mà nếu sai thì rất khó hoặc không thể sửa chữa được.

Tùy theo tính chất và đặc điểm của sản xuất mà có doanh nghiệp chỉ nằm trọn vẹn ở một nơi với diện tích thích hợp và sẽ chỉ phải lựa chọn một địa điểm. Nhưng cũng có doanh nghiệp mà các bộ phận phải trải rộng trong một không gian rộng lớn thì sẽ phải lựa chọn nhiều địa điểm khác nhau.

Trong xu thế cạnh tranh như hiện nay, xu hướng một doanh nghiệp được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau là rất phổ biến. Cho dù doanh nghiệp ở một nơi hay ở nhiều địa điểm khác nhau thì việc bố trí chúng đều phải tuân theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định.

4. Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến thiết lập phân hệ sản xuất bị quản trị

- Nghiên cứu lựa chọn cơ cấu sản xuất – kinh doanh

Cơ cấu sản xuất bao gồm các cấp, các bộ phận được xây dựng theo nguyên tắc nhất định.

Cơ cấu sản xuất có được trên cơ sở cơ cấu sản phẩm, phạm vi và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ cấu sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành doanh nghiệp.

- Nghiên cứu và lựa chọn qui mô sản xuất

Qui mô sản xuất là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thiết lập hệ thống sản xuất. Lựa chọn qui mô sản xuất là xác định độ lớn của doanh nghiệp.

Qui mô sản xuất được quyết định bởi các dự báo về môi trường và thị trường, chức năng, nhiệm vụ sản xuất, khả năng phát triển, khả năng tài chính…

- Nghiên cứu và lựa chọn phương pháp tổ chức sản xuất

Lựa chọn phương pháp tổ chức sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các cấp và bộ phận sản xuất của doanh nghiệp. Phương pháp tổ chức sản xuất khác nhau sẽ làm số các bộ phận sản xuất khác nhau, dẫn tới cơ cấu sản xuất cũng chịu ảnh hưởng theo. Lựa chọn phương pháp hợp lí sẽ là điều kiện tốt để tổ chức bộ máy và hình thành doanh nghiệp thuận lợi hơn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng)

Đỗ Đức Nhượng