‘Người khởi nghiệp nên bắt đầu từ nguồn vốn phi tài chính’
Điểm yếu của start-up
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ngày càng khởi sắc với sự xuất hiện ngày càng nhiều start-up. Tuy nhiên, nhiều công ty thất bại vì không duy trì mô hình kinh doanh bền vững trong thời gian dài.
Từng cố vấn cho nhiều doanh nghiệp, ông Phạm Duy Hiếu nhận định, mỗi công ty khởi nghiệp có một điểm yếu như mô hình kinh doanh chưa bùng nổ, yếu tố công nghệ kém hay khả năng lãnh đạo chưa tốt. Trong số những yếu tố đó, tài chính là yếu tố cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp.
Phạm Duy Hiếu - giám đốc Qũy khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ - chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp. |
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – giám đốc đầu tư Savills Việt Nam - cho rằng, tài chính ban đầu của start-up thường đến từ vốn chủ sở hữu, vay mượn gia đình, bạn bè, ngân hàng. Nhưng nhà sáng lập chưa lượng hóa được lợi nhuận, thua lỗ từ nguồn vốn đó. Đây là nguyên nhân khiến họ sử dụng đồng tiền không hiệu quả.
Khởi nghiệp để kiếm tiền hay kiếm tiền để khởi nghiệp
Thực tế cho thấy, nhiều người khởi nghiệp từ con số 0, và đam mê là thứ duy nhất họ có. Theo ông Hiếu, khởi nghiệp để kiếm tiền, không phải kiếm tiền rồi mới làm khởi nghiệp. Bởi vậy, các nhà sáng lập nên thử nghiệm, mô phỏng ý tưởng rõ ràng để làm tiền đề mời gọi những người khác đồng hành cùng mình. Họ có thể bắt đầu bằng nguồn vốn phi tài chính.
Giáo dục là yếu tố đầu tiên mà người khởi nghiệp cần đầu tư. Họ phải học tập, trải nghiệm, hiểu sâu lĩnh vực họ làm. Nguồn vốn thứ hai là các mối quan hệ đối tác, khách hàng của công ty. Đây cũng là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, uy tín rất quan trọng giúp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
“Nguồn vốn tài chính là kết quả của những nguồn vốn phi tài chính như khả năng, mối quan hệ, uy tín. Khi 3 yếu tố đó đủ lớn, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào công ty”, Hiếu khẳng định.
Yếu tố đánh giá start-up của nhà đầu tư
Thị trường đầu tư trong nước ngày càng sôi động với nhiều nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ông Hiếu cho hay, mặc dù có “khẩu vị” riêng nhưng đa số nhà đầu tư đều đánh giá dự án trên 2 khía cạnh là tiềm năng thị trường, nhóm khởi nghiệp. Thậm chí, một số “cá mập” còn nhìn vào thói quen, hành vi của người sáng lập để quyết định.
Giám đốc điều hành Savills chia sẻ, những nhà đầu tư thiên thần thường nhìn vào đam mê, uy tín của nhà sáng lập, triển vọng thị trường của công ty. Ngược lại, nhà đầu tư lớn sẽ muốn hiện thực hóa mô hình kinh doanh bằng số liệu cụ thể. Vì vậy, người điều hành cần lượng hóa vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu trong bảng báo cáo tài chính. Dù lãi hay lỗ thì con số rõ ràng, minh bạch sẽ khiến nhà đầu tư đặt niềm tin vào dự án.
Kinh doanh và kêu gọi đầu tư là hai mảng khác biệt. Người khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng nếu có đam mê, trình độ. Nhưng để lấy tiền trong túi nhà đầu tư lại không dễ dàng. Ông Khương khuyên chủ doanh nghiệp nên đặt bản thân vào vị trí người rót vốn để hiểu tại sao họ muốn bỏ tiền vào dự án.
“Rất ít nhà sáng lập đủ am hiểu để thuyết phục nhà đầu tư. Muốn ra khơi, họ cần một mentor (người cố vấn), tổ chức hỗ trợ đánh giá lại doanh nghiệp, tư vấn cách gọi vốn thành công”, Khương nói.
Hiện tại, người khởi nghiệp có thể tìm kiếm nhà đầu tư tại các sự kiện, hội thảo. Đôi khi, “cá mập” tự tìm đến nhưng sẽ không chi tiền nếu start-up chưa thực sự tuyệt vời. Ông Hiếu khuyên rằng, chủ doanh nghiệp nên trở về hoàn thiện công ty, biến nó trở nên hoàn hảo hơn sau mỗi lần gọi vốn thất bại.
Xem thêm |