|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA): Doanh nghiệp Canada kêu gọi tạm hoãn khi COVID-19 bùng phát

21:09 | 30/03/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại USMCA thay thế cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực kể từ tháng 1/1994. Đây là một thỏa thuận thương mại giữa ba quốc gia là Mỹ, Mexico và Canada.

Hiệp định Thương mại  USMCA: Doanh nghiệp Canada kêu gọi tạm hoãn trong thời kì dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh 1.

(Nguồn: fortune)

Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại USMCA

Hiệp định Thương mại USMCA thay thế cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực kể từ tháng 1/1994. Đây là một thỏa thuận thương mại giữa ba quốc gia là Mỹ, Mexico và Canada.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa 'xé bỏ' NAFTA hồi năm 2016, ba nước thành viên đã khởi động đàm phán lại Hiệp định vào tháng 8/2017 và được công bố vào cuối tháng 8/2018. Vài tuần sau, vào ngày 30/9/2018, Mỹ và Canada chính thức đồng ý thay thế NAFTA bằng thỏa thuận mới và USMCA đã hoàn tất sau đó nhiều tuần.

Ngày 16/1/2020, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn USMCA và vào ngày 29/1/2020, Tổng thống Trump đã kí ban hành thành luật Hiệp định thương mại USMCA trước sự chứng kiến của hơn 400 quan khách bên ngoài Nhà Trắng, tuyên bố "tương lai huy hoàng" cho nông dân, công nhân và nhà sản xuất Mỹ.

Ngày 13/3/2020, Quốc hội Canada đã thông qua cơ sở pháp lí để phê chuẩn Hiệp định Thương mại USMCA. Hiện USMCA cần được Toàn quyền Canada Julie Payette phê chuẩn để có hiệu lực, đây sẽ là bước cuối cùng để đưa hiệp định vào thực thi. Hiệp định này bao trùm một thị trường 500 triệu dân, với giá trị trao đổi thương mại giữa 3 nước thành viên đạt hơn 1,1 nghìn tỉ USD trong năm 2018.

Doanh nghiệp Canada kêu gọi tạm hoãn Hiệp định USMCA trong thời kì dịch COVID-19 bùng phát

Các tổ chức doanh nghiệp của Canada cùng chung ý tưởng với các đối tác ở Mỹ và Mexico, khi lên tiếng đề nghị hoãn thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ phiên bản mới, với lí do: sẽ là không công bằng khi các doanh nghiệp phải điều chỉnh theo các qui định mới, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ảnh hưởng trên diện rộng đối với toàn bộ nền kinh tế.

Chính quyền Mỹ đã đề xuất thời hạn 1/6/2020 để đưa vào thực thi tất cả các điều khoản trong Hiệp định USMCA.

Theo Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các hãng chế tạo phụ tùng ô tô Canada, việc áp đặt các qui định mới đối với các doanh nghiệp hiện đang trong cảnh phải ngừng kinh doanh "chưa từng có tiền lệ" vì đại dịch, sẽ là một quyết định thiếu thận trọng và gây ảnh hưởng tiêu cực. Hiệp hội này, cùng các hiệp hội của ngành ô tô ở Mỹ và Mexico, đang đề nghị chính phủ ba nước bàn bạc để hoãn thực thi NAFTA 2.0 đến tháng 1/2021. 

Canada đang làm việc với phía Mỹ và Mexico về các qui định của ba bên trước khi đưa hiệp định vào thực thi ở cả ba nước.

Một số thay đổi chính trong Hiệp định Thương mại USMCA

Lĩnh vực sản xuất ôtô

Một trong những thay đổi lớn nhất trong USMCA so với NAFTA là tỉ lệ nội địa hóa trong ôtô và xe tải được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ tăng từ 62,5% như NAFTA trước đây lên 75%, với yêu cầu mới là các nhà sản xuất phải sử dụng thép và nhôm từ khu vực này.

Ngoài ra, 40 - 45% giá trị của một chiếc xe phải đến từ các khu vực có mức lương cao, nơi trả cho công nhân ít nhất 16 USD một giờ, cụ thể là Mỹ và Canada.

Điều khoản này được cho là nhằm làm chậm làn sóng di cư của ngành công nghiệp sang Mexico vốn có mức lương thấp hơn. Những chiếc xe không đạt tiêu chuẩn sẽ phải chịu thuế quan của Mỹ.

Những yêu cầu trên đang đặt một số nhà sản xuất ôtô thương hiệu nước ngoài ở Mỹ vào thế bất lợi. Họ buộc phải đầu tư vào các nhà máy mới tại nước này hoặc Canada cho các bộ phận có giá trị cao như động cơ và bộ phận truyền động.

Nông nghiệp

Canada sẽ cho phép nông dân chăn nuôi bò sữa Mỹ quyền tiếp cận vào khoảng 3,5% thị trường sữa nội địa trị giá 16 tỉ USD của nước này.

Đổi lại, phía Mỹ sẽ ngừng những nỗ lực buộc Canada phải loại bỏ hệ thống "quản lí cung ứng" lâu đời, vốn giúp nước này duy trì mức thuế cao áp lên các sản phẩm từ sữa. Mỹ cũng có thể tăng xuất khẩu một số sản phẩm sữa như sữa tách béo và protein sữa sang Canada.

Ngoài ra, khoảng 57 nghìn tấn thịt gà của Mỹ sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Canada cho tới năm thứ sáu của thỏa thuận. Khoảng 10 triệu tá trứng và các sản phẩm tương đương của Mỹ cũng nhận được ưu đãi khi xuất sang Canada.

Quyền của người lao động

Để khuyến khích việc hình thành các công đoàn và tăng lương cho công nhân tại Mexico, Hiệp định USMCA cho phép Mỹ và Canada triệu tập một hội đồng gồm các chuyên gia lao động quốc tế để tiếp nhận các khiếu nại nếu các nhà máy Mexico từ chối cho họ quyền tự do tập hợp và cùng mặc cả mức lương.

Nếu bị phát hiện vi phạm và không khắc phục, USMCA cho phép phía quốc gia khiếu nại hủy bỏ quyền tiếp cận miễn thuế đối với các sản phẩm của bên vi phạm cùng một số các hình phạt khác.

Bản quyền, thương mại số, thương mại điện tử

Theo nội dung Hiệp định USMCA mới, thời hạn bảo vệ bản quyền sẽ kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời, tương tự với qui định hiện tại của Mỹ. Ở Canada, thời hạn này thường kéo dài trong 50 năm.

Hoạt động kiểm tra hải quan và các khoản phí khác đối với các sản phẩm kĩ thuật số như âm nhạc, trò chơi, video và sách điện tử sẽ bị cấm và các quốc gia không được yêu cầu các cơ sở máy tính trong nước lưu trữ dữ liệu về người dùng.

Hiệp định Thương mại USMCA cũng bảo vệ các nền tảng Internet khỏi trách nhiệm liên đới với những thông tin của bên thứ ba mà họ hiển thị.

Mexico và Canada sẽ tăng gấp đôi ngưỡng mà các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế và khai báo hải quan lên lần lượt là 100 USD và 30,25 USD. Việc này sẽ có lợi cho các nhà bán lẻ trực tuyến có vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới của khu vực và các doanh nghiệp qui mô nhỏ nhập các đơn đặt hàng tương đối khiêm tốn.

Giải quyết tranh chấp

USMCA sẽ loại bỏ phần lớn các biện pháp giải quyết tranh chấp cũ giữa các nhà đầu tư với chính phủ (ISDS), cho phép các công ty Bắc Mỹ hoạt động ở một quốc gia láng giềng lựa chọn khiếu nại các quyết định của chính quyền địa phương tại một tòa án quốc tế.

Theo thỏa thuận mới, việc khiếu nại sẽ chỉ là một lựa chọn cho các công ty tranh chấp với Chính phủ Mexico trong một số vấn đề, chẳng hạn như việc chính phủ tịch thu tài sản hoặc phân biệt đối xử với các thực thể nước ngoài và các công ty hoạt động trong một số ít ngành riêng biệt.

Dược phẩm  

Hiệp định Thương mại USMCA đặt mục tiêu giữ giá thuốc ở mức thấp bằng cách hạn chế một số biện pháp bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm.

Hiệp định mới đã loại bỏ thời hạn độc quyền thông tin kéo dài 10 năm đối với thuốc công nghệ sinh học, một điều mà đảng Dân chủ của Mỹ từng lo ngại sẽ khiến một số loại thuốc thuộc hàng đắt đỏ nhất kéo dài thời gian tăng giá.

Hiệp định cũng loại bỏ một điều khoản yêu cầu các bên phải xác nhận bằng sáng chế về cách sử dụng mới cho những loại thuốc đã có mặt trên thị trường. Điều này giúp chống lại một quá trình gọi là "bằng sáng chế vĩnh cửu" vốn ngăn chặn sự cạnh tranh từ các loại thuốc cùng dòng.

Bảo vệ môi trường  

Hiệp định USMCA không bao gồm bất kì điều khoản nào yêu cầu các nước thành viên tham gia chống lại và hạn chế quá trình biến đổi khí hậu.

Nhưng nội dung thay đổi trong hiệp định mới vẫn yêu cầu mỗi quốc gia phải tuân thủ Nghị định thư Montreal năm 1987 về loại bỏ các chất gây nguy hại cho tầng ozone.

USMCA cũng yêu cầu ba nước thành viên tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các vùng đất ngập nước, sinh vật biển ở Nam Cực, đánh bắt cá voi và cá ngừ.

Phùng Nguyệt