|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi

00:33 | 14/03/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi được kí kết với mong muốn thiết lập các mối quan hệ qua lại nhằm hỗ trợ, bổ sung và mở rộng hợp tác giữa hai bên. Đồng thời quyết tâm củng cố, tăng cường và đa dạng hoá quan hệ thương mại song phương.
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi - Ảnh 1.

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi

Thời gian kí kết: 25/4/2000.

Nơi kí kết: thủ đô Pretoria, Nam Phi.

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi được kí kết với mong muốn thiết lập các mối quan hệ qua lại nhằm hỗ trợ, bổ sung và mở rộng hợp tác giữa hai bên. Đồng thời quyết tâm củng cố, tăng cường và đa dạng hoá quan hệ thương mại song phương.

Mong muốn tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước và cùng nhau đóng góp vào sự hợp tác mậu dịch quốc tế.

Việt Nam và Nam Phi sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm tạo thuận lợi và xúc tiến các quan hệ thương mại, kinh tế giữa hai nước phù hợp với luật pháp của mỗi Bên. Đồng thời tuân theo các nghĩa vụ của các thoả ước, công ước và hiệp định quốc tế mà các Bên có thể là thành viên.

Đãi ngộ Tối huệ quốc theo Hiệp định

Các Bên sẽ dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc trong mọi vấn đề liên quan tới: 

- Các loại thuế hải quan và mọi loại phí, thuế khác áp dụng với hàng hoá nhập khẩu hoặc xuất khẩu cũng như là các phương thức thu các loại thuế hải quan, phí và thuế này.

- Các qui định pháp lí liên quan đến thủ tục hải quan, quá cảnh, lưu kho. 

- Các loại thuế nội địa và tất cả các khoản thu khác áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng nhập khẩu. 

- Các phương thức thực hiện thanh toán phát sinh từ việc thực hiện Hiệp định này và việc chuyển các khoản thanh toán đó. 

- Các qui định pháp lí liên quan tới việc bán, mua, vận tải, phân phối và sử dụng hàng hoá tại thị trường nội địa. 

Ðối với mọi vấn đề liên quan tới giấy phép xuất nhập khẩu được cấp theo luật pháp của mỗi nước, mỗi Bên sẽ dành cho bên kia sự đãi ngộ không kém ưu đãi hơn sự đãi ngộ ưu đãi nhất được dành cho nước thứ ba. 

Khuyến khích việc hướng dẫn các hoạt động kinh tế thương mại và trao đổi thông tin thương mại

Mỗi Bên sẽ cố gắng thúc đẩy việc hướng dẫn các hoạt động kinh tế thương mại trên lãnh thổ nước mình, theo cách phù hợp với các luật lệ  và các thông lệ chung về thương mại quốc tế đã được chấp nhận. 

Trong khuôn khổ việc thực hiện Hiệp định này, các Bên sẽ trao đổi các thông tin có thể góp phần vào việc mở rộng các hoạt động thương mại giữa hai nước. 

Các biện pháp tự vệ thương mại

Với yêu cầu các biện pháp này không được áp dụng một cách tuỳ tiện hoặc phân biệt đối xử, các qui định của Hiệp định này sẽ không giới hạn các quyền của mỗi Bên thông qua hay thực hiện các biện pháp: 

- Vì lí do sức khỏe công cộng, đạo đức, trật tự hay an ninh. 

- Ðể bảo vệ thực vật và động vật chống lại các loại bệnh và sâu bọ phá hoại.

- Ðể bảo vệ khả năng tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán. 

- Bảo vệ các tài sản quốc gia hoặc các giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ. 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi

Việt Nam và Nam Phi có quan hệ hữu nghị từ lâu, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Từ đó tới nay, Nam Phi luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,1 tỉ USD và hai nước đang phấn đấu đạt kim ngạch 2 tỉ USD trong 5 năm tới.

Đã có nhiều đoàn doanh nghiệp hai nước đi khảo sát thị trường của nhau, một số công ty Nam Phi đã tham gia các hội chợ tổ chức tại Việt Nam. 

Trong 10 năm từ 2008 - 2018, kim ngạch của 2 nước tăng gấp 5 lần, thường xuyên đạt 1 tỉ USD, năm 2019 dự kiến đạt 1,3 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, con số này còn khiêm tốn so với tổng giá trị trao đổi thương mại của mỗi nước, còn rất thấp so với con số kim ngạch xuất khẩu 530 tỉ USD của Việt Nam ra thế giới.

Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nam Phi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ... 

Chi tiết về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi

Phùng Nguyệt