|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã qua mức tăng trưởng đột biến

09:59 | 26/03/2023
Chia sẻ
Sau giai đoạn tăng đột biến trong dịch COVID-19, thương mại điện tử tại Việt Nam được dự báo quay về ngưỡng tăng trưởng từ 15% đến 18% trong giai đoạn 2023 - 2025.

Xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng

Theo Sách Trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, sau 7 năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. 

Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017. Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.

Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260 - 285 USD/người trong năm 2022.

Sau 7 năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. (Ảnh minh hoạ: Khánh Ngân/VGP).

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tại một diễn đàn mới đây, ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết xuất phát từ nhu cầu thị trường, giai đoạn COVID-19 giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến, năm 2021-2022 tăng khoảng 22%.

Theo ông Kiên, mức tăng này sẽ không duy trì mà trở về mức 15% - 18% trong giai đoạn 2023 - 2025. Lãnh đạo VECOM cũng nhấn mạnh trong bối cảnh này thì tác động của chuyển đổi số đến thương mại điện tử là rất lớn.

Động lực tăng trưởng mới

Ông Kiên cho biết các yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới đến từ sự thay đổi về khung pháp lý như các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các cải cách hành chính công như hải quan, kê khai thuế…

Lấy ví dụ về việc chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến ngành thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung, ông Kiên kể câu chuyện Trung Quốc từ khi mở cửa trở lại, bình quân một ngày có khoảng 600 xe ô tô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại. 

“Với số lượng như vậy không có giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thì việc ùn ứ là chắc chắn”, ông Kiên nói.

Ngoài ra, hiện các nền tảng chuyển đổi số, cung cấp các ứng dụng, giải pháp cho ngành thương mại điện tử là rất tốt như các doanh nghiệp cung cấp phần mềm bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, ứng dụng về thanh toán... Trong logistics cũng rất phát triển, hàng trăm ngàn đơn hàng ngày.

Theo ông Kiên, các doanh nghiệp của Việt Nam thích ứng nhanh, có sự dịch chuyển tích cực, càng ngày càng quan tâm đến bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Thậm chí, các nhóm ngành hàng trước đây khó đẩy lên sàn thì nay đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử.

 Ông Bùi Trung Kiên. (Ảnh: Chụp màn hình).

Những thách thức của thương mại điện tử Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, vị lãnh đạo VECOM cho biết mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, song Việt Nam vẫn cần giải quyết nhiều thách thức để đảm bảo sự thành công của quá trình này, cũng như để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Ông Kiên nhận định ví bảo mật hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam giờ đây đã có được lớp bảo mật theo quy chuẩn quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, rủi ro vẫn còn tồn tại và xuất hiện trong quá trình sử dụng của người dùng.

Điển hình là rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây khi hacker lợi dụng sự cả tin, thiếu kiến thức của người dùng để dẫn họ tới website giả mạo, hack mất mã OTP, mất mật khẩu trên thiết bị.

"Việc tăng cường an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu quan trọng, thông tin cá nhân và tài sản kỹ thuật số là rất quan trọng để tránh các cuộc tấn công mạng và lừa đảo", ông Kiên nhấn mạnh.

Ông khuyến nghị các tổ chức trực tuyến, sàn thương mại cần chủ động hơn trong việc hướng dẫn, truyền thông cho người dùng cách thức nhận biết và kỹ năng để phòng ngừa rủi ro khi tham gia môi trường mạng.

Đức Huy