Hiệp định PSI (Pre-Shipment Inspection - PSI) là gì?
Hiệp định PSI (Pre-Shipment Inspection - PSI) (Nguồn: bankingallinfo)
Hiệp định PSI (Pre-Shipment Inspection - PSI)
Hiệp định PSI - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Pre-Shipment Inspection, viết tắt là PSI.
Hiệp định PSI hay còn gọi là hiệp định về giám định hàng hóa trước khi xếp hàng, là một thỏa thuận của các nước thành viên WTO.
Hiệp định PSI có nội dung đưa ra những qui định về việc giám định hàng hóa trước khi xếp hàng, theo đó nước nhập khẩu yêu cầu các cơ quan độc lập kiểm định hàng hóa được nước nhập khẩu đặt hàng, chủ yếu vào giá cả, chất lượng và số lượng trước khi xuất hàng. (Theo QIMA)
Mục đích của hiệp định PSI là nhằm bảo vệ lợi ích tài chính quốc gia, và bù đắp cho những khiếm khuyết trong cơ cấu hành chính. Hiệp định này đặc biệt được chính phủ các nước đang phát triển sử dụng.
Nội dung hiệp định PSI
Hiệp định về giám định hàng hóa trước khi xếp hàng thừa nhận rằng các nguyên tắc và nghĩa vụ của GATT được áp dụng cho cả hoạt động của các cơ quan giám định hàng hóa được các chính phủ ủy quyền.
Các chính phủ (người sử dụng dịch vụ) phải làm sao để các cơ quan giám định này kiểm hóa một cách minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử đối với hàng hóa; bảo vệ được những thông tin bí mật về thương mại; tránh được những chậm trễ không đáng có; tuân thủ những chỉ thị cụ thể về kiểm tra giá cả và tránh xung đột lợi ích.
Đặc biệt, các nước nhập khẩu là thành viên của WTO phải có trách nhiệm và nghĩa vụ là không được áp dụng biện pháp giáp định hàng hóa mang tính phân biệt đối xử và phải công bố không chậm trễ các yêu cầu về giám định hàng hóa đối với hàng nhập khẩu.
Hiệp định PSI đặt ra một cơ chế độc lập xem xét các tranh chấp. Cơ chế này do Liên đoàn các công ty kiểm hóa quốc tế (International Federation of Inspection Agencies - IFIA), đại diện cho các công ty kiểm hóa và Phòng thương mại quốc tế ICC, đại diện cho các nhà xuất khẩu cùng phối hợp điều hành. Cơ chế có mục đích giải quyết tranh chấp giữa nhà xuất khẩu và công ty kiểm định. (Theo Giáo trình Tổ chức thương mại thế giới, NXB Chính trị quốc gia)