|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàng hóa khuyến dụng (Merit goods) là gì?

23:03 | 12/01/2020
Chia sẻ
Hàng hóa khuyến dụng (tiếng Anh: Merit goods) là những hàng hóa hay dịch vụ mà việc tiêu dùng chúng có lợi cho cá nhân và xã hội, nhưng cá nhân không tự nguyện tiêu dùng, khiến Chính phủ phải bắt buộc họ sử dụng.
Hàng hóa khuyến dụng (Merit goods) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Hàng hóa khuyến dụng (Merit goods)

Định nghĩa

Hàng hóa khuyến dụng trong tiếng Anh là Merit goods.

Hàng hóa khuyến dụng là những hàng hóa và dịch vụ có lợi mà Chính phủ cảm thấy rằng mọi người tiêu thụ quá ít và do đó chúng cần phải được khuyến khích sử dụng.

Hàng hóa khuyến dụng là những hàng hóa mà khi được tiêu thụ cung cấp những lợi ích bên ngoài, mặc dù những điều này có thể không được công nhận đầy đủ ngay tại thời điểm tiêu thụ.

Nói tóm lại, những hàng hóa hay dịch vụ mà việc tiêu dùng chúng có lợi cho cá nhân và xã hội, nhưng cá nhân không tự nguyện tiêu dùng, khiến Chính phủ phải bắt buộc họ sử dụng gọi là hàng hóa khuyến dụng.

Đặc điểm

Hàng hóa khuyến dụng có hai đặc điểm:

- Mọi người không nhận ra lợi ích cá nhân thực sự. Ví dụ, mọi người đánh giá thấp lợi ích của giáo dục hoặc tiêm vắc-xin.

- Thông thường, việc tiêu dùng hàng hóa khuyến dụng tạo ra ngoại ứng tích cực.

Ý nghĩa của hàng hóa khuyến dụng

- Sự can thiệp của chính phủ là cần thiết, cho dù không có sự thất bại của thị trường. Điều này nảy sinh từ niềm tin cho rằng, cá nhân có thể không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích tốt nhất của mình.

- Nhiều nhà kinh tế cho rằng, cá nhân nói chung đôi khi khá thiển cận, không nhận thức được đầy đủ lợi ích hoặc tác hại của việc tiêu dùng một hàng hóa hay dịch vụ nào đó, ngay cả khi họ có đầy đủ thông tin. Chính phủ phải can thiệp để buộc họ hành động.

- Việc bắt buộc thắt dây an toàn trong xe ô tô hay đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy, và giáo dục tiểu học bắt buộc là những ví dụ về những hàng hoá được coi là hàng hoá khuyến dụng.

Người đi xe máy có thể biết rõ lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm, nhưng vẫn tiếp tục đi xe mà không đội mũ. Hay như chế độ ăn trái cây tươi và rau củ mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng, họ biết điều đó nhưng vẫn ưa thích tiêu dùng thực phẩm không lành mạnh.

(Tài liệu tham khảo: Tutor2u; Economicshelp; Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Tùng