|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai thách thức lớn đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông Trump

10:19 | 06/10/2020
Chia sẻ
Con đường tái đắc cử của ông Trump phần lớn phụ thuộc vào tình hình COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch tới kinh tế Mỹ. Trong thời gian gần đây, ông phải đón nhận tin tức xấu về cả hai vấn đề này.
Hai thách thức lớn đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)

Tăng trưởng việc làm đáng thất vọng trong tháng 9 cùng với việc COVID-19 tấn công ông Trump và các quan chức Nhà Trắng tạo ra bối cảnh đáng lo ngại trong khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra chưa đầy một tháng nữa.

Theo CNBC, ông Trump khó có thể chấp nhận thêm bất kì tin tức tiêu cực nào khác khi mà kết quả khảo sát cho thấy ông đang mất dần chỗ đứng trong cuộc đua với cựu Phó Tổng thống Biden.

Ông Greg Valliere, chuyên gia về chính sách Mỹ tại AGF Investments cho biết: "Mọi người có thể nói rằng nền kinh tế đang chững lại, và thị trường lao động cho thấy điều đó. Nền kinh tế đang suy yếu và COVID-19 một lần nữa trở thành tâm điểm của công chúng. Cả hai thông tin này đều bất lợi với Trump".

Khoảng cách giữa ông Trup và ông Biden đang nới rộng.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của RealClearPolitics, ông Biden đang dẫn trước ông Trump 8,3 điểm %. Cách biệt này đã gia tăng đáng kể trong vài ngày qua, khảo sát NBC News/Wall Street Journal công bố hôm 4/10 cho thấy ông Biden có lợi thế 14 điểm %.

Từ giờ cho đến ngày bầu cử 3/11, Mỹ sẽ không công bố thêm dữ liệu quan trọng nào nữa. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump không còn cơ hội để thể hiện kĩ năng tạo việc làm.

Ông Trump có thể tung hô 11,4 triệu việc làm được khôi phục kể từ khi Mỹ đóng cửa trong tháng 3 và tháng 4. Tuy nhiên, số lượng công việc phi nông nhiệp được tạo ra trong tháng 9 chỉ bằng một nửa so với con số 1,5 triệu trong tháng 8.

Tỉ lệ thất nghiệp tháng 9 giảm xuống 7,9% so với mức 14,7% hồi tháng 4, nhưng vẫn là con số cao nhất bất kì tổng thống đương nhiệm nào nhận được trong giai đoạn bầu cử, ít nhất là kể từ năm 1948.

Hai thách thức lớn đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông Trump - Ảnh 2.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn mắc kẹt ở mức trên 800.000. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa vẫn không thể tìm được tiếng nói chung với Đảng Dân chủ về gói cứu trợ mới nhằm tạo ra thêm việc làm.

Cố gắng thay đổi chủ đề

Ông Trump đã tìm cách củng cố lớp cử tri ủng hộ mình bằng cuộc chiến nhân sự Tòa án Tối cao, nhưng chiến lược này có vẻ sẽ khó mà phát huy tác dụng.

Chuyên gia Valliere nhận xét: "Trump đã cực kì hi vọng rằng có thể chuyển mối quan tâm của cử tri từ COVID-19 sang một chủ đề khác, đó là Tòa án Tối cao. Nhưng bây giờ sự chú ý của cử tri lại quay trở về câu chuyện mà Trump không muốn nói: COVID-19".

Kinh tế Mỹ giờ gần như nằm trong tay các bên đàm phán về gói kích thích tiếp theo. Nếu gói kích thích được thông qua, ông Trump có thể sử dụng nó để nhóm lên hi vọng rằng cuộc hồi phục kinh tế sẽ tiếp diễn.

Ông Steve Friedman, nhà kinh tế vĩ mô cấp cao tại MacKay Shields cho biết: "Đại dịch càng kéo dài, chính sách tài khóa càng chậm trễ thì khả năng nền kinh tế bị tổn hại lâu dài càng tăng".

So sánh với năm 2016

Về COVID-19, số bệnh nhân của Mỹ vẫn cao nhưng số trường hợp nhập viện chỉ tăng thêm chút ít và xu hướng tử vong tiếp tục giảm. Việc ông Trump nhiễm COVID-19 có thể tạo ra các phản ứng trái chiều từ công chúng, tuy nhiên việc ông rời bệnh viện để vẫy tay với đám đông chắc chắn sẽ làm thổi bùng lên chỉ trích rằng ông quá thờ ơ về đại dịch.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Trump cho thấy ông là người dễ tạo nên bất ngờ. Ông Trump đứng sau bà Hillary Clinton trong rất nhiều cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử tháng 11/2016. Ngay trước cuộc bỏ phiếu, một đoạn băng ghi âm lời ông Trump bình luận tục tĩu về phụ nữ bị lộ ra nhưng rốt cuộc ông vẫn chiến thắng.

RealClearPolitics đang theo dõi các cuộc khảo sát bầu cử tổng thống năm 2020 và so sánh với cuộc đua 4 năm trước.

Tại những bang "chiến địa", ông Trump có lợi thế hơn ông Biden so với lúc đối đầu với bà Clinton. Tuy nhiên, ông Biden lại dẫn trước 3 điểm % tại những bang mà ông Trump và bà Clinton giằng co nhau.

Những con số trên cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 có thể sẽ không lặp lại kịch bản 2016: ông Trump thua sít sao trong cuộc bỏ phiếu phổ thông nhưng giành được chiến thắng đáng kể về số phiếu đại cử tri.

Hãng nghiên cứu Beacon Research viết hôm 5/10: "Tổng thống Trump đã có thể vượt qua 'bất ngờ tháng 10' tồi tệ cách đây 4 năm, nhưng 2020 không phải là 2016. Việc ông Trump nhiễm COVID-19 cũng diễn ra vào thời điểm nguy hiểm tới cuộc tranh cử tổng thống và cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng viện".

"Vấn đề lớn nhất đối với Trump là với thời gian cho cuộc đua đang ngày càng cạn kiệt. Sự tập trung của công chúng vào COVID-19 và sức khỏe của ông trở thành chi phí cơ hội lớn khi ông tìm cách thay đổi động lực của cuộc đua".

Giang