Kinh tế Mỹ sẽ hồi phục chậm khi Trump nhiễm COVID-19?
Liệu việc Tổng thống Trump nhiễm COVID-19 sẽ phá vỡ sự bế tắc của Quốc hội Mỹ về gói kích thích kinh tế mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng hay giáng thêm đòn đau cho nền kinh tế khi làm gia tăng lo ngại về virus corona và làm chậm quá trình mở cửa trở lại?
Giới quan sát cho rằng kết quả một phần phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của ông Trump.
Ngày 2/10, Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo thị trường lao động nước này có thêm 661.000 việc làm trong tháng 9. Đây là một con số lớn trong lịch sử nhưng đã giảm mạnh từ mức 4,8 triệu việc làm vào tháng 6, khoảng 1,8 triệu việc làm tháng 7 và 1,5 triệu việc làm tháng 8.
Đến nay, khoảng một sửa số người lao động Mỹ bị thất nghiệp hồi mùa xuân đã tìm lại được việc làm. Quá trình phục hồi còn lại có thể mất nhiều thời gian hơn và sẽ phụ thuộc vào tốc độ mở cửa trở lại của chính phủ và các doanh nghiệp. Tất cả những điều này sẽ bị ảnh hưởng bởi diễn biến của đại dịch.
Lực cản lớn với quá trình phục hồi là các gói cứu trợ hết hạn, bao gồm gói hỗ trợ thất nghiệp bổ sung. Hôm 2/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trả lời phỏng vấn trên MSNBC rằng bà lạc quan về một thỏa thuận mới sẽ được thực hiện. Đề cập đến tình hình sức khỏe của ông Trump, bà cho biết việc Tổng thống mắc COVID-19 là "động lực cho sự thay đổi".
Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities cho biết việc ông Trump nhiễm COVID-19 có thể tạo ra hiện tượng gia tăng ủng hộ nội bộ để chống lại áp lực từ bên ngoài hoặc trong các cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Aneta Markowska, trưởng nhà kinh tế tài chính Hoa Kỳ tại Jefferies & Co., bình luận: "Bà Pelosi dường như trở nên hòa giải hơn sau thông tin ông Trump nhiễm bệnh, điều này thật đáng khích lệ".
Ông Stanley nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ không đóng cửa một lần nữa như hồi mùa xuân ngay cả khi có sự tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19 hoặc làn sóng lo ngại về bệnh tình của ông Trump. Các bang như Arizona, Texas và Florida, vốn bị ảnh hưởng muộn hơn vùng Đông Bắc, đã cố gắng tránh được điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.
"Các biện pháp như đóng cửa quán bar, giới hạn số lượng khách trong nhà hàng và bắt buộc đeo khẩu trang có thể có tác động đáng kể trong việc chống lại virus corona", ông nói.
Gad Levanon, Phó chủ tịch phụ trách thị trường lao động tại Conference Board, cho biết các bang New York, New Jersey, Massachusetts và California đã chứng kiến số lượng lớn người lao động bị mất việc vì biện pháp giãn cách, phong tỏa. Điều đó cho thấy các quyết định của chính phủ về cách ứng phó với sự gia tăng ca nhiễm virus corona sẽ có ảnh hưởng lớn trong những tháng tới.
Jason Schenkner, nhà kinh tế trưởng của Prestige Economics, cho biết thông điệp từ Nhà Trắng sẽ quan trọng như sức khỏe Tổng thống Trump. Nếu Trump hồi phục nhanh chóng, ông có thể khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 cũng không nguy hiểm hơn bệnh cúm thông thường và khuyến khích những người ủng hộ không đeo khẩu trang.
Dựa trên kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, khi Thủ tướng Boris Johnson từng nhiễm COVID-19, bệnh tình của ông Trump không có khả năng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, Yelena Shulyatyeva, nhà kinh tế cao cấp của Mỹ tại Bloomberg Economics bình luận.
Bloomberg Economics ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ đạt tăng trưởng 28% trong quí III/2020 nhưng chỉ tăng trưởng 2,5% trong quí IV.
Đúng một tháng trước ngày bầu cử, đêm 1/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter rằng ông và vợ đã dương tính với COVID-19.
"Tối nay, tôi và vợ đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với COVID-19. Chúng tôi sẽ bắt đầu qui trình cách li và hồi phục ngay lập tức. Chúng tôi sẽ vượt qua việc này CÙNG NHAU", ông Trump viết.
Khoảng 17h đồng hồ sau khi thông báo nhiễm COVID-19, ông Trump được trực thăng Marine One đưa tới Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland ngày 2/10 (theo giờ địa phương).
Vài giờ sau đó, Trump đăng Twitter thông báo tình hình của mình. Ông viết ngắn gọn: "Mọi việc vẫn ổn, tôi nghĩ vậy. Cảm ơn tất cả mọi người. Tôi yêu mọi người".