|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giao cắt tử thần (Death Cross) là gì?

14:19 | 15/01/2020
Chia sẻ
Death Cross là điểm xảy ra giao cắt xuống giữa đường trung bình trượt (MA) ngắn hạn và đường trung bình trượt (MA) dài hạn hoặc giao cắt xuống một mức hỗ trợ nào đó trên biểu đồ giá chứng khoán.
Giao cắt tử thần (Death Cross) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Giao cắt tử thần (Death Cross)

Định nghĩa

Death Cross tạm dịch ra tiếng Việt là giao cắt tử thần.

Death Cross là mô hình biểu đồ kĩ thuật cho thấy tiềm năng của một đợt bán tháo lớn.

Death Cross là điểm xảy ra giao cắt xuống giữa đường trung bình trượt (MA) ngắn hạn và đường trung bình trượt (MA) dài hạn hoặc giao cắt xuống một mức hỗ trợ nào đó trên biểu đồ giá chứng khoán. Thông thường, các đường trung bình trượt phổ biến nhất được sử dụng trong mẫu này là đường trung bình trượt 50 ngày và đường trung bình trượt 200 ngày.

Hiện tượng Death Cross báo hiệu một xu hướng giảm đã được hình thành. Nếu có khối lượng giao dịch bỗng dưng tăng mạnh (dấu hiệu nhà đầu tư đang bán tháo) thì đó sẽ là dấu hiệu xác nhận mạnh hơn cho xu hướng giảm.

Hiểu về Death Cross

Death Cross xảy ra khi đường trung bình trượt ngắn hạn (thường là SMA 50 ngày) cắt xuống dưới đường trung bình trượt dài hạn (thường là SMA 200 ngày). Điều này được các nhà phân tích và các nhà giao dịch coi là tín hiệu cho sự thay đổi đáng kể của thị trường giá xuống.

Dưới đây là một ví dụ về Death Cross trên S&P 500 vào tháng 12 năm 2018:

Giao cắt tử thần (Death Cross) là gì? - Ảnh 2.

Nguồn: Investopedia

Death Cross bắt nguồn từ hình chữ X được tạo ra khi đường trung bình trượt ngắn hạn (MA ngắn hạn) cắt xuống dưới đường trung bình trượt dài hạn (đường MA dài hạn).

Trong lịch sử, mô hình cho thấy sự suy thoái kéo dài của cả đường trung bình trượt dài hạn và ngắn hạn. Death Cross là một tín hiệu cho thấy đà tăng ngắn hạn của một tài sản đang bị chậm lại, nhưng Death Cross không phải lúc nào cũng là một chỉ báo đáng tin cậy cho thấy thị trường giá lên sắp kết thúc.

Đã có nhiều lần Death Cross xuất hiện, chẳng hạn như vào mùa hè năm 2016, khi nó được chứng minh là một chỉ báo sai. Những nhà đầu tư bán hết cổ phiếu của mình trong mùa hè năm 2016 đã bỏ lỡ mức tăng đáng kể của thị trường chứng khoán diễn ra trong suốt năm 2017.

Có những ý kiến khác nhau về tính chính xác của các đường tạo nên Death Cross. Một số nhà phân tích định nghĩa nó là sự giao nhau của đườg trung bình động 100 ngày và đường trung bình trượt 30 ngày; những người khác định nghĩa nó là sự giao nhau của SMA 200 ngày và SMA 50 ngày.

Các nhà phân tích cũng theo dõi sự giao cắt này ở trên các biểu đồ khung thời gian ngắn hơn, như là sự xác nhận về một xu hướng giảm mạnh mẽ đang diễn ra để cũng cố niềm tin cho xu hướng giảm dài hạn sắp tới.

Bất kể các biến thể nào về đường MA hay khung thời gian được áp dụng, thuật ngữ này luôn đề cập đến một đường trung bình trượt ngắn hạn hơn cắt qua một đường trung bình trượt dài hạn hơn.

(Tài liệu tham khảo: Investopedia)

Thanh Tùng