Giả thuyết thu nhập tuyệt đối (Absolute income hypothesis) là gì?
Hình minh họa
Giả thuyết thu nhập tuyệt đối (Absolute income hypothesis)
Định nghĩa
Giả thuyết thu nhập tuyệt đối trong tiếng Anh là Absolute income hypothesis.
Giả thuyết thu nhập tuyệt đối là giả thuyết cho rằng mức chi cho tiêu dùng (C) chỉ phụ thuộc vào thu nhập cá nhân sử dụng (Yd), tức C=f(Yd).
Thu nhập cá nhân sử dụng còn được gọi là thu nhập khả dụng.
Các thuật ngữ liên quan
Khuynh hướng tiêu dùng cận biên hay xu hướng tiêu dùng cận biên (Marginal Propensity to Consume, viết tắt: MPC) là lượng tiêu dùng tăng thêm khi thu nhập khả dụng tăng thêm một đơn vị.
Nếu ta kí hiệu
ΔC là biến động của mức tiêu dùng trong kì
ΔY là biến động của thu nhập trong kì
Khi đó (ΔC/ΔY ) = MPC
Hàm tiêu dùng (Consumption Function) là hàm phản ánh mối quan hệ giữa mức chi tiêu tiêu dùng với mức thu nhập khả dụng.
Biểu diễn hàm tiêu dùng: C = C̅ + MPC x Yd
Nội dung giả thuyết thu nhập tuyệt đối
- Quan điểm về các yếu tố quyết định tiêu dùng được trình bày chi tiết trong cuốn Lí thuyết tổng quát của Keynes. Trong cuốn sách này, Keynes cho rằng tiêu dùng gắn liền với thu nhập theo cách sau đây:
(1) Khi thu nhập thay đổi, tiêu dùng sẽ thay đổi theo cùng một hướng, nhưng mức thay đổi tuyệt đối ngày càng nhỏ, tức khuynh hướng tiêu dùng cận biên (MPC) lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1. Có thể viết như sau:
0 < ∆C/∆Y <1 hay 0 < MPC < 1
Kí hiệu ∆ hàm ý là mức thay đổi của đại lượng (ở đây là tiêu dùng và thu nhập).
(2) Khuynh hướng tiêu dùng cận biên nhỏ hơn khuynh hướng tiêu dùng bình quân (APC), tức ∆C/∆Y < C/Y, hay MPC < APC
(3) Tỉ lệ thay đổi của khuynh hướng tiêu dùng cận biên mang dấu âm, nghĩa là tốc độ của hàm tiêu dùng giảm khi thu nhập tăng.
- Các dãy số thời gian và không gian ngắn hạn được sử dụng để ước lượng hàm tiêu dùng nêu trên nhìn chung ủng hộ giả thuyết thu nhập tuyệt đối của Keynes, nhưng những bằng chứng dài hạn lại chống lại nó.
Vì vậy, dạng hàm tiêu dùng C=c x Y, trong đó c= MPC, chỉ được sử dụng trong các mô hình hết sức đơn giản.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)