Giá mờ (Shadow price) trong kinh tế học là gì?
Hình minh họa
Giá mờ (Shadow price)
Định nghĩa
Giá mờ trong tiếng Anh là Shadow price.
Giá mờ hay còn gọi là giá bóng là giá hoặc giá trị qui đổi của hàng hóa và dịch vụ khi chúng không được xác định một cách chính xác do thiếu thị trường bình thường để hình thành giá cả, hoặc do có sự biến dạng của giá cả trên thị trường.
Việc qui đổi giá một hàng hóa thực chất là tìm ra con số ước tính chính xác nhất cho nó với giả định rằng hàng hóa đó được mua bán bình thường trên thị trường.
Đặc trưng của giá mờ
Khoa kinh tế phúc lợi có khuynh hướng coi giá một sản phẩm bằng chi phí xã hội cận biên của nó. Chi phí xã hội cận biên của một sản phẩm là tổng tất cả chi phí liên quan đến việc sản xuất ra nó.
Ví dụ, chi phí thực sự của việc sản xuất điện không chỉ gồm chi phí về tư bản, lao động và vật tư nguyên liệu. Nó còn bao gồm chi phí phụ thêm cho xử lí chất thải, suy thoái môi trường, cảnh quan ở khu vực đặt nhà máy điện.
- Không có giá trị nào được tính cho những ảnh hưởng ngoại hiện này vì không có thị trường để xác định giá cả của chúng. Giá mờ cho những ảnh hưởng ngoại hiện thường được ước tính trong các phân tích chi phí - ích lợi.
- Trường hợp qui định giá mờ còn có thể gặp trong quan hệ trao đổi nội bộ.
Đầu vào của bộ phận B trong một công ty có thể là sản lượng của bộ phận A. Các sản phẩm (cấu kiện, bán thành phẩm, dịch vụ quản lí...) mà hai bộ phận này của công ty trao đổi có thể không bằng giá thị trường, vì không tồn tại thị trường cho chúng.
- Các giao dịch được xác định bằng giá mờ thường dựa trên chi phí ước tính cộng với mức lợi nhuận của tư bản. Các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thường sử dụng những giá trị ước tính như thế thay cho giá thị trường.
- Giá mờ được sử dụng nhiều trong qui hoạch tuyến tính, trong đó lời giải của một bài toán thường bao gồm giả định cho các đầu vào nhân tố khan hiếm và mức lợi nhuận tăng thêm nếu sử dụng thêm một đơn vị nguồn lực.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)