Gia công thừa (Over processing) là gì? Giải pháp loại bỏ lãng phí gia công thừa
Gia công thừa
Khái niệm
Gia công thừa hay xử lí thừa trong tiếng Anh gọi là: Over processing.
Gia công thừa trong sản xuất là các hành động khắc phục, phòng ngừa, giải quyết các vấn đề không phù hợp phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hoặc là gia công vượt quá yêu cầu của khách hàng.
Bao gồm sử dụng các thành phần phức tạp hơn so với yêu cầu, hay gia công với chất lượng vượt yêu cầu, chẳng hạn như đánh bóng bề mặt quá mức hoặc tại vị trí không cần thiết; hoặc là gia công/xử lí thừa trong sản xuất được thực hiện khi một việc phải được làm lại bởi vì nó không được làm đúng trong lần đầu tiên.
Gia công/xử lí thừa không chỉ gây nên việc sử dụng lao động và thiết bị kém hiệu quả mà còn làm gián đoạn luồng sản xuất thông thoáng dẫn đến những ách tắc và đình trệ trong qui trình.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến sửa chữa thường tiêu tốn một khối lượng thời gian đáng kể của cấp quản lí và vì vậy làm tăng thêm chi phí quản lí sản xuất chung.
Giải pháp loại bỏ lãng phí gia công thừa
Tùy theo nguyên nhân phát sinh sai lỗi mà doanh nghiệp sẽ có giải pháp tương ứng để giảm thiểu các lãng phí Gia công/xử lí thừa trong quá trình sản xuất.
Dưới đây, nêu một số giải pháp đối với các doanh nghiệp, tổ chức triển khai:
(1) Luôn luôn đặt câu hỏi: “mục đích của quá trình này là gì?”; “nhiệm vụ của công đoạn này là gì?”. Chính mục đích của công đoạn sẽ giúp xác định hoạt động nào là “cần thiết”, hoạt động nào là “không cần thiết”.
(2) Thực hiện hoạt động nhóm kiểm soát chất lượng QCC (nhóm QCC). Đầu tư vào con người, đặc biệt là nhóm cải tiến chất lượng trong doanh nghiệp, có thể xác định các loại lãng phí trong quá trình và cải tiến liên tục.
(3) Soạn thảo, ban hành và đưa vào áp dụng các hướng dẫn công việc, chuẩn hóa các thao tác cho tất cả các công đoạn, khu vực.
Ưu tiên thực hiện trước cho các công đoạn phát sinh nhiều vấn đề không phù hợp. Tùy theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà các hướng dẫn, qui định này có thể thể hiện bằng lời, bằng hình ảnh hay bằng video.
Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì sau khi ban hành các qui định này, doanh nghiệp cần lưu ý đến phương pháp đào tạo, huấn luyện và giám sát việc thực hiện các qui định, hướng dẫn này.
(4) Xây dựng cẩm nang chất lượng, trong đó nêu các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp hoặc có thể gặp phải, tương ứng đó là các hành động khắc phục, phòng ngừa tương ứng để toàn thể cán bộ có thể tham khảo và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống này khi xảy ra.
(5) Để có thể giải quyết được triệt để, tránh trường hợp lặp đi lặp lại. Doanh nghiệp cần xác nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề trong sản xuất kinh doanh.
Có thể ứng dụng bảy công cụ truyền thống để xác định được những vấn đề trọng yếu cần ưu tiên giải quyết, giúp cho doanh nghiệp định hướng được các giải pháp và là cơ sở đối chiếu so sánh sự việc trước và sau khi xử lí thông qua việc sử dụng các cột để minh hoạ các hiện tượng, nhóm lại các dạng như là các khuyết tật, tái sản xuất, sửa chữa, khiếu nại, tai nạn và hỏng hóc.
(6) Việc bảo trì máy móc đúng thời hạn sẽ rất quan trọng để đảm bảo sự liên tục cho chuyền sản xuất, giảm hỏng hóc cũng như giảm các lãng phí về giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Việc bố trí, cân bằng các nguyên công được tiến hành đồng thời với việc sắp xếp máy móc thiết bị theo đúng trình tự của qui trình công nghệ để tạo ra một đường vòng khép kín từ nguyên công đầu cho đến những nguyên công cuối.
(7) Áp dụng phương pháp quản lí trực quan trong quá trình sản xuất: Hệ thống quản lí trực quan sẽ giúp cho người lao động nắm được đầy đủ thông tin về qui trình, tiến độ sản xuất kinh doanh cũng như các thông tin liên quan đến việc xử lí, tiến hành một công việc nào đó.
(Tài liệu tham khảo: Loại bỏ 7 lãng phí - Nội dung cơ bản và hướng dẫn áp dụng, NXB Hồng Đức)