Giá bông thế giới lập đỉnh 10 năm, các tín đồ thời trang có thể sắp phải e dè
Giá bông chạm đỉnh, gợi nhắc về cú sốc cũ
Trong phiên giao dịch ngày 8/10, giá bông thế giới đã chạm lên đỉnh 10 năm, đạt khoảng 1,16 USD/pound. Chỉ riêng trong tuần trước, giá bông đã nhích khoảng 6% và nếu tính từ đầu năm đến nay thì giá đã bật tăng khoảng 47%.
Theo CNBC, sự bùng nổ của giá bông bắt nguồn từ một số yếu tố nhất định. Tháng 12 năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã cấm các công ty Mỹ nhập khẩu bông và sản phẩm khác có nguồn gốc từ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại rằng chúng được sản xuất bằng sức lao động động cưỡng ép.
Quy định trên được chính quyền người kế nhiệm Joe Biden giữ nguyên, buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải mua bông từ Mỹ, sản xuất hàng dệt may bằng bông đó ngay tại đất nước tỷ dân và cuối cùng xuất hàng trở lại Mỹ.
Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và các đợt nắng nóng kéo dài cũng khiến sản lượng bông trên khắp nước Mỹ sụt giảm, mà Mỹ vốn là nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới. Tại Ấn Độ, trời không mưa cũng đe dọa gây ảnh hưởng đến sản lượng bông của nước này.
Chia sẻ tại cuộc họp cùng các cổ đông, ông Chip Bergh - CEO của ông lớn ngành thời trang Levi Strauss, gợi nhắc: "Năm 2011, khi giá bông leo đỉnh, chúng tôi đã thấp thỏm lo sợ.
Vị CEO cho biết khi đó, ông chỉ vừa gia nhập gã bán lẻ denim và đang học hỏi mô hình kinh doanh của Levi. Cùng lúc, giá bông chạm đỉnh lịch sử khi nhảy vọt lên hơn 2 USD/pound do nhu cầu hàng dệt may phục hồi mạnh mẽ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi Ấn Độ lại hạn chế xuất khẩu bông để giúp đỡ các đối tác trong nước.
Chuyên gia kinh tế Jack Kleinhenz của Liên đoán Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết thêm, giá của một chiếc áo thun cotton từng tăng trung bình khoảng 1,5 - 2 USD. Lợi nhuận của doanh nghiệp bị hao hụt và người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng.
Ai chịu thiệt hại nhiều nhất?
Nhà phân tích Robert Samuels của UBS cảnh báo, các nhà bán lẻ mà ông dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt tăng của giá bông là những doanh nghiệp chuyên về denim. Bông chiếm hơn 90% nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất quần jeans và các mặt hàng denim khác.
"Không chỉ đối mặt với rủi ro về giá nguyên liệu thô, các hãng bán lẻ denim còn phải lo ngại về tình trạng siết chặt chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động", ông Samuels nhấn mạnh trong một ghi chú gửi cho khách hàng.
Dù vậy, CEO Chip Bergh của Levi trấn an cổ đông rằng tác động của đợt tăng giá năm nay có thể ít nghiêm trọng hơn. Bây giờ, các nhà sản xuất bông và doanh nghiệp bán lẻ có quyền định giá, đồng thời có thể chia sẻ chi phí trong toàn chuỗi cung ứng để tránh phá hủy nhu cầu của người tiêu dùng.
Levi cho biết hãng đã thương lượng hầu hết chi phí sản phẩm cho nửa đầu năm tới, theo đó phí tổn rất thấp, ở mức một con số. Trong nửa cuối năm sau, Levi dự đoán chi phí sẽ tăng thêm một chút. Hãng denim này có kế hoạch bù đắp mức tăng đó bằng các ưu đãi về giá với đối tác.
CFO Harmit Singh của Levi thông tin thêm rằng bông chỉ chiếm khoảng 20% chi phí để sản xuất ra một chiếc quần jeans, với mỗi chiếc sử dụng khoảng 2 pound bông.
Đến nay, Levi là một trong những nhà bán lẻ hàng may mặc đầu tiên bình luận công khai về cơn sốt giá bông. Các công ty cùng ngành khác sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III trong những tuần tới, CNBC lưu ý.
Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, phải mất một thời gian trước khi giá bông tăng cao được thể hiện trong số liệu doanh thu của các nhà bán lẻ, dựa trên thời điểm mua bông theo hợp đồng.
Tuy nhiên, cổ phiếu của các hãng may mặc có thể đối mặt với một số áp lực khi giá bông vẫn tiếp tục tăng cao. Các nhà phân tích đã đề cập đến các công ty như Ralph Lauren, Gap, Kontoor Brands và PVH.
Giá cổ phiếu của Kontoor Brands, chủ sở hữu hai thương hiệu jeans Wrangler và Lee, đã giảm gần 6% trong tuần qua; trong khi cổ phiếu của PVH - chủ sở hữu thương hiệu Calvin Klein, Gap và Ralph Lauren mất gần 2% khi kết thúc tuần giao dịch vừa qua.