|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Siêu bão giá phân bón đang đến gần?

08:10 | 07/10/2021
Chia sẻ
Giá phân bón đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Thị trường phân bón Việt Nam đã biến động nay lại căng thẳng hơn khi một số nhà máy DAP có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.

Siêu bão giá phân bón đang đến gần?

Theo Agweb, các chuyên gia nhận định hiện tượng việc giá phân bón đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua đang báo hiệu hiện tượng "thiên nga đen" có thể tấn công nền kinh tế thế giới thêm một lần nữa.

Diễn biến không mấy tươi sáng của ngành phân bón bắt nguồn cuộc khủng hoảng nguyên liệu ở châu Âu và Trung Quốc, kèm theo những tác động từ thiên tai, khí hậu và vấn đề chính trị.

"Thiên Nga đen" (Black Swan) là khái niệm chỉ những sự cố hi hữu nhưng để lại hậu quả nặng nề. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu hay thảm họa hạt nhân Fukushima.

Theo Josh Linville, đại diện công ty phân tích thị trường StoneX cho biết vào cuối tháng 9, Chính phủ Trung Quốc chính thức cấm xuất khẩu phân DAP (lân, phốt phát) cho đến hết tháng 6/2022.

Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, thị trường phân bón biến động mạnh bởi Trung Quốc sản xuất 1/3 sản lượng phốt phát thế giới.

Lệnh cấm phân DAP chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các cú sốc về nguồn cung phân bón khi các nước đang bước vào sản xuất, trồng trọt cho năm 2022.

Trước đó, vào năm 2008, giá urê NOLA tăng từ 350 USD/tấn vọt lên 825 USD/tấn, trong khi giá phân DAP thế giới cũng leo lên mức 702 USD/tấn do cung không đủ cầu.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự lo ngại của các chuyên gia là hoàn toàn có lý. Ngoài chi phí vận chuyển, giá khí đốt tự nhiên tăng đến hơn 6 USD/MMBtu, gần đạt mức đỉnh năm 2014. Đây được cho là một yếu tố có thể làm đội chi phí sản xuất nitơ, loại nguyên liệu quan trọng sản xuất phân đạm.

Siêu bão giá phân bón đang đến gần? - Ảnh 2.

Cuộc khủng hoảng khí tự nhiên trên toàn cầu khiến giá phân bón tăng mạnh. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác cũng đang ảnh hưởng đến sản lượng và giá phân bón.

"Bão Ida càn quét nhiều nhà máy phân bón ở Mỹ, cộng với các sự cố kỹ thuật chưa thể khắc phục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Trong khi Trung Quốc, nhà sản xuất urê lớn nhất thế giới đã cắt giảm xuất khẩu để kìm giữ ổn định giá trong nước và châu Âu cũng đang khủng hoảng vì giá khí đốt tự nhiên.

Tất cả gộp lại cho thấy ngành phân bón sắp phải đối mặt với những khủng hoảng lớn", ông Linville cho biết.

Như vậy, giá urê, kali, DAP thế giới tiếp tục lập đỉnh mới điều này đang dự báo cơn siêu bão giá phân bón ở Việt Nam có thể đang đến rất gần.

Ông Vũ Duy Hải, TGĐ Tập đoàn Vinacam cho biết sau khi Belarus, một nước xuất khẩu kali lớn trên thế giới bị Mỹ và Anh cấm vận, giá kali tiếp tục tăng dựng đứng với các bản chào nhỏ giọt cho hàng xếp tháng 10. Hàng hạt nhỏ ở mức 550 USD/tấn CFR và hàng hạt lớn ở mức 620 USD/tấn CFR.

Giá chào hàng xếp tháng 11, kali hạt nhỏ tiếp tục lên mức 600 USD/tấn CFR và hạt lớn ở mức 700 USD/tấn CFR.

Còn, phân DAP Trung Quốc được chào cho hàng rời nhập khẩu đường biển đã lên mức 730-750 USD/tấn CFR. Với mức thuế nhập khẩu 5%, mức thuế phòng vệ thương mại trên 1 triệu đồng/tấn, giá vốn hàng nhập mới đã lên tới 19 triệu đồng/tấn.

Siêu bão giá phân bón đang đến gần? - Ảnh 3.

Một số nhà máy DAP trong nước có nguy cơ ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Những diễn biến không mấy khả quan ở thị trường thế giới và trong nước đang khá bất lợi cho người nông dân khi vụ Đông Xuân đang đến gần.

Ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam cho biết: "Nông dân Việt rất chuộng phân bón DAP nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không dám nhập về nhiều vì Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu, chi phí vận chuyển cao.

Nguồn cung DAP càng thêm căng thẳng khi hai nhà máy trong nước là DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu apatit. đang khiến giá phân bón tăng chóng mặt", ông Sơn nói.

Linh hoạt công cụ thuế để giảm bão giá

Đầu tháng 8, tại hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón.

Cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm. Như vậy, công suất sản xuất gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.

"Do đó, không có sự chênh lệch cung cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao", ông Trung nói.

Bình luận về điều này, ông Hải cho biết: "Các cơ quan quản lý nhà nước đưa thống kê lượng sản xuất, lượng xuất khẩu, lượng nhập khẩu và cho rằng nguồn hàng không thiếu, nhu cầu không tăng hơn so với năm 2020 là đánh giá không phù hợp, khách quan".

Vì, để sản xuất được sản lượng NPK cần quá nửa nguồn urea, DAP, kali. Nếu sản lượng NKP tăng, đồng nghĩa nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất NPK sẽ tăng. Do vậy, nhu cầu sử dụng phân đơn cho chăm bón trực tiếp sẽ bị thiếu nghiêm trọng.

Ông Hải cho rằng thị trường không có điều tiết luôn phản ánh đúng thực tế khách quan. Cung lớn hơn cầu thì giá giảm, ít đầu cơ. 

Còn, cung thấp hơn cầu thì giá tăng và càng phân phối nhỏ giọt với suy nghĩ để tránh đầu cơ, nâng giá lại càng kích thích đầu cơ, nâng giá, nảy sinh tiêu cực.

"Bên cạnh biện pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước, các cơ quan quản lý cần thực hiện áp thuế xuất khẩu hoặc tạm dừng xuất khẩu.

Đồng thời bỏ hoặc tạm dừng việc áp thuế tự vệ với phân DAP bởi quy định này đang tác dụng ngược, góp phần đẩy giá DAP lên trần giá mới. Nếu cơ quan quản lý nhà nước chậm can thiệp thì nguy cơ nông dân bỏ ruộng là rất lớn", ông Hải nói.

Cũng bàn về giải pháp hãm giá phân bón, đại diện Richfarm cho rằng trong bối cảnh này việc ưu tiên sản xuất và sử dụng phân bón trong nước sẽ hợp lý nhất. Doanh nghiệp mong rằng thuế VAT với phân bón bằng 0% sẽ được Quốc hội thông qua.

Điều này có thể giúp các nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.

Hoàng Anh