|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá cổ phiếu đã tăng mạnh, ngành phân bón còn tiềm năng?

13:42 | 04/10/2021
Chia sẻ
Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên các chuyên gia của Agriseco đánh giá vẫn có cơ hội đầu tư đối với ngành phân bón khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng.
Giá đã tăng mạnh, cổ phiếu phân bón có còn cơ hội đầu tư? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: DPM).

Giá phân bón vẫn sẽ ở mức cao cho đến hết 2022

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định rằng xu hướng tăng giá kéo dài của giá phân bón từ giữa năm 2020 đến nay là yếu tố chính giúp các doanh nghiệp phân bón có được kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian qua.

Cụ thể, tới tháng 9/2021, giá tất cả các loại phân bón đều đã tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020. Trong đó, giá phân DAP tăng 125%, giá phân Urea tăng 121%, giá phân lân tăng 130%.

Theo nhóm phân tích, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao đến từ sự tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh... và sự sụt giảm của nguồn cung trên thế giới dẫn đến không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh để tái thiết nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, mới đây Trung Quốc đã có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, trong bối cảnh Trung Quốc chiếm khoảng 40 - 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, điều này đã làm cho giá phân bón cả quốc tế lẫn trong nước tăng cao.

Giá đã tăng mạnh, cổ phiếu phân bón có còn cơ hội đầu tư? - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo cáo của Agriseco).

Những yếu tố này tiếp tục là cơ sở để Agriseco Research đưa ra dự báo rằng giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. 

Trong sản xuất phân đạm, khí thiên nhiên và than là 2 nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu. Với khí thiên nhiên, đà tăng được kỳ vọng sẽ tiếp diễn vào khi mùa đông tới, các nước có nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh lượng dự trữ khí đang sụt giảm. Theo cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), dự trữ tính đến ngày 13/8 ở mức 2.776 Bcf, thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ.

Với than, Trung Quốc hiện nay đang là nhà sản xuất và xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Với cam kết về biến đổi khí hậu, Trung Quốc có những kế hoạch để cắt giảm sản lượng khai thác và sản xuất than. Điều này có thể khiến giá than duy trì ở mức cao bởi nỗi lo không đáp ứng được nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau đại dịch.

Cùng với đó, những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa của Trung Quốc có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam cải thiện được thị phần trong nước và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng có thể yếu tố này chỉ duy trì trong ngắn hạn đến khi cung cầu trở nên bình ổn.

Mặt khác, Agriseco Research nhận định giá nguyên vật liệu nếu tiếp tục tăng mạnh sẽ là một yếu tố bất lợi tới biên lợi nhuận khi ngành nghề có tính cạnh tranh cao như phân bón thì sẽ khó khăn nếu tiếp tục đẩy cao giá bán.

Cổ phiếu phân bón có còn dư địa tăng giá?

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh, Agriseco Research đánh giá ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021.

Triển vọng của ngành bao gồm nhu cầu tăng cao, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đặc biệt khi bước vào vụ lúa Đông Xuân.

Cùng với đó, chính sách thuế giá trị gia tăng kỳ vọng được sửa đổi. Nội dung sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón (dự kiến 5%) đã được tổng hợp trong dự thảo luật thuế giá trị gia tăng. 

Khi dự thảo được thông, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào, giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân Urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn.

Giá đã tăng mạnh, cổ phiếu phân bón có còn cơ hội đầu tư? - Ảnh 3.

Ngoài ra, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước cũng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.

Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên các chuyên gia của Agriseco đánh giá vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rủi ro của ngành là giá phân bón tăng mạnh có thể ảnh hưởng tới các hộ nông dân và ngành nông nghiệp nói chung, có thể sẽ có những biện pháp nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường.

Không chỉ vậy, một trong những đầu ra rất quan trọng với phân bón ở thị trường Việt Nam là sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên thì giá gạo sau đà tăng kể từ năm 2020 lại có sự sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm, điều này có thể tác động tiêu cực lên nhu cầu phân bón.

Về dài hạn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc dự báo rằng nhu cầu chỉ tăng trưởng với CAGR là 1% trong giai đoạn 2022 - 2026. Diện tích đất nông nghiệp cũng đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm, xu thế phân hữu cơ, phân vi sinh có lợi cho môi trường sẽ ngày càng phổ biến.

Lê Huy