|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gen Z sẽ là 'thế hệ nhảy việc' tiếp theo do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

20:34 | 25/08/2021
Chia sẻ
Millennials chỉ còn một thập kỷ nữa để đảm nhận vai trò động lực chính của nền kinh tế. Trong khi đó, Gen Z đang lặp lại con đường sự nghiệp đầy chông gai của các Millennials đời đầu ở thời kỳ suy thoái do đại dịch.
Gen Z sẽ trở "thế hệ nhảy việc" tiếp theo sau Millennials do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

COVID-19 có thể cướp đi 10 nghìn tỷ USD của các sinh viên Gen Z. (Ảnh: Getty).

Gen Z thống trị nền kinh tế thế giới

Theo Business Insider, một nghiên cứu ban đầu của Ngân hàng Mỹ có tên gọi là "OK Zoomer" cho thấy, 2.5 tỷ Gen Z trên thế giới đang có tổng thu nhập lên đến 7 nghìn tỷ USD. Và dự đoán đến năm 2025, con số này sẽ là 17 nghìn tỷ USD và đạt 33 nghìn tỷ USD trong năm 2030 chiếm 27% thu nhập thế giới và vượt qua mức thu nhập của thế hệ Millennials.

Gen Z là những người được sinh ra trong khoảng thời gian 1996 - 2016. Số tuổi lớn nhất của một Gen Z ở thời điểm hiện tại là 25 trong khi Millennials đã bước sang tuổi 40. Theo báo cáo, thế hệ trẻ tại Mỹ đang có mức thu nhập tăng nhanh nhất, theo sát sau đó là Trung Quốc.

Tất nhiên, con số này sẽ còn vượt trội hơn nếu đại dịch không xảy ra. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, COVID-19 có thể cướp đi 10 nghìn tỷ USD của các sinh viên Gen Z.

Lặp lại con đường sự nghiệp đầy chông gai của các Millennials đời đầu

Gen Z và Millennials tại Mỹ là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tài chính do đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn này thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Khủng hoảng tài chính (2008). Gen Z trải qua một khởi đầu đầy khó khăn trong sự nghiệp, tương tự như những gì xảy ra với các Millennials đời đầu: tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái.

Nghiên cứu của Stanford cho thấy, những sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái thường phải đối mặt với giai đoạn trì trệ kéo dài tới 15 năm. Hannes Schwandt, tác giả của nghiên cứu này cho rằng, sự chậm trễ trong quá trình tích lũy tài sản không nhất thiết là do thiếu việc làm, nhưng họ phải bắt đầu trong một nền kinh tế suy thoái có "chất lượng thấp hơn".

Tuy nhiên, điều đó lại tạo ra một lợi thế tiềm năng. Những lần nhảy việc để nắm bắt cơ hội tài chính sẽ tạo nên độ linh hoạt và hỗ trợ sự thăng tiến sau này cho sự nghiệp của họ.

Schwandt cho rằng: "Theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng nhóm sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn này rất thường xuyên di chuyển từ nhà tuyển dụng này sang nhà tuyển dụng khác. Và nó giúp họ leo lên những 'nấc thang chất lượng'."

Gen Z dường như có rất nhiều điểm tương đồng với "thế hệ nhảy việc" - Millennials. Bởi lẽ, họ đã và đang trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ lẫn hiện tại. Giờ đây, trước khi nền kinh tế phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch, Millennials với những con người đang dần bước sang độ tuổi 40 chỉ còn một thập kỷ nữa để đảm nhận vai trò động lực chính của nền kinh tế.

Quỳnh Hoa