|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dự báo Gen Z sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam, sinh ra trong thời kỳ 4.0 nhưng nghịch lý lại là thế hệ sợ công nghệ nhất

09:00 | 20/08/2021
Chia sẻ
Gen Z, thế hệ trẻ vốn được cho là thành thạo và quen thuộc với công nghệ, liệu đã sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay chưa?

Vừa qua, công ty PwC Việt Nam - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) đã phát hành báo cáo “Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số?” nhằm chia sẻ nhiều phát hiện thú vị liên quan tới người trẻ về công nghệ và kỹ thuật số. 

Bên cạnh những con số và nhận định đáng chú ý, PwC cũng đưa ra những góc nhìn và kiến nghị quan trọng, giúp các doanh nghiệp và người trẻ Việt Nam có một góc nhìn toàn cảnh cũng như tìm ra hướng đi trong thời điểm công nghệ thay đổi nhanh chóng.

Thế hệ Z (Gen Z) gồm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010. Cơ sở cho báo cáo này là các cá nhân thuộc Gen Z đang trong độ tuổi lao động, từ 18-24. Họ lớn lên với công nghệ, thành thạo cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và internet. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, dự đoán đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Như vậy trong các năm tới, họ sẽ là thành phần chủ chốt của lực lượng lao động nước nhà. 

Tuy nhiên, mặc dù Gen Z có thể quen thuộc với công nghệ, nhiều người vẫn chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và các kỹ năng mềm cần thiết để theo kịp yêu cầu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Họ phải đối mặt với khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn do gia nhập lực lượng lao động trong thời điểm công nghệ thay đổi và phát triển với tốc độ chóng mặt. 

Dự báo Gen Z sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam, sinh ra trong thời kỳ 4.0 nhưng nghịch lý lại là thế hệ sợ công nghệ nhất - Ảnh 1.

Nữ sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. (Ảnh: Vietnam+).

Như vậy, những người trẻ gen Z, (hay còn gọi là những Zoomers, để phân biệt với thế hệ Boomers), sẽ luôn phải thích nghi không ngừng với những thay đổi và yêu cầu của công việc trong suốt sự nghiệp của họ. Ông Quách Thành Châu, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Nguồn nhân lực, PwC Việt Nam, cho hay:

“Trong thế giới đầy biến động như hiện nay, sẽ không có vị trí công việc nào là hoàn toàn không thể bị thay thế trong tương lai. Lời khuyên của tôi dành cho Thế hệ Z - Hãy bắt đầu nghĩ về bản thân như một hành trang đầy kỹ năng và năng lực, thay vì chỉ gắn mình với một vai trò hay nghề nghiệp xác định.”

Dưới đây là những thống kê thú vị về lực lượng lao động mới này:

Có quan điểm tích cực về công nghệ nhưng cũng tỏ ra lo lắng nhất 

84% người tham gia khảo sát cho biết họ có cảm nhận tích cực về vai trò của công nghệ đối với công việc của họ. Tuy nhiên, so với các thế hệ khác, họ cũng là nhóm tỏ ra lo lắng nhất (11%).

Ba lý do chính khiến họ lo lắng là: 51% cho rằng công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi; 26% nghĩ rằng họ sẽ không có năng lực phù hợp và 12% tin rằng họ sẽ không thể học các kỹ năng phù hợp.

Tỏ ra lo lắng khi chưa sở hữu bằng cấp

62% người Việt thuộc Gen Z chưa sở hữu bằng cấp cho rằng tự động hóa mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội, so với những người cùng thế hệ nhưng sở hữu bằng cấp và trình độ kỹ thuật (47%).

Muốn phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh cũng như các kỹ năng số cụ thể

72% Gen Z tại Việt Nam có mong muốn học hỏi các kỹ năng số. Tỷ lệ này cao hơn so với mức khảo sát toàn cầu chỉ ở mức 52%. Họ cũng thể hiện mức mong muốn cao hơn (37%) về khả năng/nhu cầu thành thạo một loại công nghệ cụ thể so với toàn cầu (28%).

Thêm vào đó, cũng không quá ngạc nhiên khi mà Gen Z Việt Nam, lực lượng mới tham gia lao động, cũng mong muốn được trang bị cả kỹ năng kinh doanh và kỹ năng mềm. Điều này được thể hiện rõ khi kết quả trả lời của họ cao hơn tất cả các nhóm khác. 

Có quan điểm cân bằng nhất về trách nhiệm của cá nhân/tổ chức trong vấn đề nâng cao kỹ năng

46% Gen Z của Việt Nam tin rằng doanh nghiệp và chính phủ có trách nhiệm lớn hơn trong việc giúp lực lượng lao động nâng cao kỹ năng, trong khi đó 50% tin rằng nâng cao kỹ năng là một hành trình cá nhân.

Lực lượng lao động từ xa có năng suất cao

80% Gen Z tin rằng làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn sau COVID-19. Bên cạnh đó, có 57% người lao động thuộc Gen Z nói rằng họ làm việc hiệu quả khi làm việc tại nhà, tỷ lệ cao nhất so với các nhóm khác.

Trang bị cho tương lai

Để chuẩn bị cho thế hệ người lao động mới, các doanh nghiệp trong ngành và các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục cần tìm cơ hội để hợp tác với nhau, chẳng hạn như: Cung cấp các khóa học đào tạo mang tính vi mô (micro) /ngắn hạn nhằm nâng cao khả năng phát triển năng lực. Ưu tiên các chương trình dạy nghề và giáo dục đại học “đúng lúc” (just in time) hơn là “phòng bị” (just in case).

Đồng thời nâng cao hệ thống bằng cấp chứng chỉ vốn chặt chẽ, mang tính chuyển đổi, được công nhận cao và nhanh nhạy hơn. Phát triển mô hình học tập linh hoạt để phù hợp với mô hình làm việc linh hoạt. Tăng cường tính chặt chẽ của chương trình đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp

Còn đối với người trẻ Gen Z, họ cần trang bị các năng lực cần thiết cho tương lai, không chỉ là về khoa học và công nghệ, mà còn là các kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, hợp tác, sáng tạo, lãnh đạo và đổi mới. 

Bên cạnh đó, họ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi bất ngờ, khi thế giới công việc tương lai chắc chắn có nhiều khác biệt so với hiện tại.

Đạt Thái