|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người trẻ chán nản với kiểu làm việc chấm công truyền thống, bị thu hút bởi các công việc freelancer và thể hiện được bản sắc cá nhân

15:27 | 20/08/2021
Chia sẻ
Gen Z, thường được hiểu là các bạn trẻ sinh ra trong giai đoạn 1997-2012.
Gen Z bây giờ chọn nghề nghiệp ra sao?  - Ảnh 2.

Ảnh: Yanapi Senaud.

Gen Z, thường được hiểu là các bạn trẻ sinh ra trong giai đoạn 1997-2012, một thế hệ thông minh và hiểu biết, lớn lên cùng với công nghệ và Internet, nhưng cũng đồng thời cũng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử hiện đại. Vậy tất cả những điều trên đã hình thành nên quan niệm của gen Z về một công việc trong mơ như thế nào?

Công việc đó cần ổn định và có tính đảm bảo

Chứng kiến người thân và thậm chí là chính bản thân mình, chật vật trải qua những cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và những sự kiện đầy bất ngờ khó có thể dự đoán trước. Chẳng hạn như vụ khủng bố 11/09, khủng hoảng kinh tế năm 2008, và đại dịch Covid bắt đầu từ cuối năm 2019 đến bây giờ vẫn chưa kết thúc.

Những điều trên đã khiến cho một bộ phận Gen Z có những thay đổi về suy nghĩ khi làm việc. Thường được cho là những kẻ “cả thèm chóng chán”, nhưng theo ELLE Việt Nam, thực tế thì đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Gen Z bắt đầu chú trọng tới những công việc mang tính ổn định và đảm bảo lâu dài, chẳng hạn như làm việc cho nhà nước, chính phủ.

Công việc có đóng góp và cống hiến cho xã hội

Theo báo cáo của Decision Lab và Dreamplex, Gen Z dành mối quan tâm lớn đến thế giới và thời cuộc. Có đến 93% bạn trẻ Việt tham gia khảo sát muốn thay đổi thế giới và 80% đều ủng hộ một phong trào vận động nào đó. 

Họ đa phần có quan điểm cởi mở và cấp tiến, thường lên tiếng cổ vũ và đấu tranh cho các vấn đề về màu da, bình đẳng giới, cộng đồng LGBT, môi trường và biến đổi khí hậu,... Điều này khiến các công ty và doanh nghiệp sẽ cần có những hành động và chính sách tiến bộ, nhằm mang lại một môi trường làm việc phù hợp với các giá trị mà người trẻ đang hướng tới. Người trẻ giờ đây đi làm không chỉ vì tiền lương, mà còn có thể vì mong muốn giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp và văn minh hơn.

Giúp thể hiện bản sắc cá nhân

Gen Z thực sự là những người đề cao cá tính và bản sắc cá nhân, luôn cố gắng để trở nên khác biệt và độc đáo. Chính vì vậy mà họ cũng có xu hướng tìm đến những công việc giúp họ thể hiện được dấu ấn của riêng mình thay vì “nhạt nhòa” và không được ai nhớ tới hay nhận ra. 

Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi Decision Lab và Dreamplex chỉ ra rằng, công việc được nhiều bạn trẻ Gen Z yêu thích nhất là ngành Giải trí - Sáng tạo với 19%, cũng như sự xuất hiện của các ngành nghề/thuật ngữ mới như streamer, vlogger, Youtuber, content creator, influencer, KOL/KOC (key opinion leader/key opinion consumer), fashionista,...

Ưu tiên về kỹ thuật số

Không có gì khó hiểu khi Gen Z là những người lớn lên cùng với internet và công nghệ, nên họ rất thành thạo khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số cũng như chúng đã chiếm một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người trẻ. 

Thậm chí, phần nhiều các công việc mới được liệt kê ở mục 3 nêu trên, sẽ không thể thực hiện được mà không có các thiết bị công nghệ và mạng Internet hỗ trợ. Do đó mà các công ty sẽ cần phải trang bị đầy đủ máy móc và thiết bị hiện đại cho người lao động trẻ, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của mình.

Linh hoạt về thời gian và không gian làm việc

Gen Z là những người không thích bị gò bó vào khung giờ làm việc quen thuộc nhưng có phần nhàm chán ở công sở kiểu “9-to-5” truyền thống (từ 9h sáng đến 5h chiều mỗi ngày), thay vào đó, họ thích làm việc với thời gian linh hoạt và thoải mái hơn. Họ đề cao hiệu quả, miễn là đáp ứng được chỉ tiêu công việc, hơn là chỉ đơn thuần có mặt tại công ty cho đủ thời gian “chấm công”.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid 19 đã khiến cho gen Z càng có nhu cầu muốn làm việc tại nhà thay vì tới công ty, hay thậm chí là nghỉ hẳn ở công ty để làm việc tự do (freelancer). Họ cũng rằng bản thân mình làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà, theo một báo cáo gần đây của công ty kiểm toán và tư vấn PwC Việt Nam.

Về đặc điểm này, có lẽ cuốn sách bán chạy “Tuần làm việc bốn giờ”, của doanh nhân, nhà đầu tư, tác giả kiêm bậc thầy về lối sống (lifestyle guru) Timothy Ferris sẽ là ví dụ minh họa cụ thể và nổi bật. 

Cuốn sách cho chúng ta những góc nhìn và ý tưởng mới về cách tác giả làm việc hiệu quả hàng tuần mà không tốn quá nhiều thời gian, giờ giấc linh hoạt, và làm việc từ xa, cũng như việc tuyển dụng các trợ lý từ khắp nơi trên thế giới qua mạng Internet để làm việc cho mình, giúp bản thân tác giả có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để thực hiện những sở thích và mong muốn khác của bản thân mà vẫn hoàn thành công việc một cách hiệu quả theo ý muốn của mình. 

Đạt Thái