Giới trẻ Trung Quốc đam mê với các việc làm liên quan đến vật nuôi, không muốn chịu áp lực từ các công việc truyền thống
Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và thị trường việc làm của nước này đang đem đến những cơ hội mới cho người trẻ. Trong số này, nhiều người đang tìm đến các công việc mới bởi họ sợ áp lực từ công việc truyền thống, theo South China Morning Post.
Xu hướng mới này làm nổi bật nền văn hóa của Trung Quốc, đồng thời nó cũng đóng vai trò như một góc nhìn và quan điểm hiện đại hơn của giới trẻ vê cuộc sống và xã hội.
Bai Ling, một cô gái đã thành lập công ty dịch vụ làm đám tang cho vật nuôi tên Mao's Memory Castle năm 2019 để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng. Giới trẻ Trung Quốc càng ngày càng không muốn có con, và họ lựa chọn vật nuôi như một thành viên trong gia đình.
"Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là nhân viên văn phòng, độc thân hoặc những người ở độ tuổi 60 - 70. Họ đối xử với vật nuôi như thành viên trong gia đình. Chỉ riêng tại Hàng Châu, chúng tôi tổ chức hơn 260 đám tang cho thú cưng mỗi tháng, mỗi đám tang có giá khoảng 1.400 nhân dân tệ (216 USD)", Bai Ling cho biết.
Trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc cũng công bố danh sách các nghề mới được công nhận, gồm người điều khiển phương tiện bay không người lái (drone pilots), nhân viên giao hàng online, nhân viên chống dịch bệnh, nhà bán lẻ trực tuyến và các kỹ sư công nghệ blockchain.
Những gã khổng lồ trong ngành công nghệ cũng đóng góp vào sự đa dạng việc làm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Phần lớn các công việc mới được chính phủ Trung Quốc công nhận đều liên quan đến internet và là công việc bán thời gian.
Xu hướng này phù hợp với dữ liệu chính thức gần đây về thị trường việc làm linh hoạt tại Trung Quốc. Ước tính có khoảng 200 triệu lao động tự do và lao động hợp đồng ở nước này, chiếm khoảng một phần bảy tổng dân số cả nước và gần một phần tư lực lượng lao động từ 16 đến 59 tuổi.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc năm nay đạt mức cao kỷ lục 9,09 triệu người. Tuy nhiên, không có con số cụ thể nào để đánh giá ngành nghề mà các sinh viên theo học sau khi tốt nghiệp.
Một báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi ứng dụng tìm kiếm Quark nêu rõ một số sự khác biệt giữa các thế hệ. Ví dụ, nhóm người sinh từ năm 1990 - 1999, là những người thường xuyên nhảy việc, trong khi nhóm người sinh sau năm 2000 quan tâm hơn đến việc bắt đầu sự nghiệp ở các lĩnh vực đang phát triển.
Báo cáo cũng cho thấy những người thuộc các thế hệ khác nhau có quan điểm khác nhau về lựa chọn nghề nghiệp. Giáo viên, bác sĩ và công chức là ba nghề nghiệp phổ biến nhất được những người sinh từ năm 1980 đến năm 1989 quan tâm, trong khi ba nghề phổ biến nhất được nhóm người sinh từ năm 1990 đến năm 1999 quan tâm là quản lý y tế, nhà tâm lý học và tài xế.
Với thế hệ trẻ, những người sinh sau năm 2000, họ quan tâm tới đa dạng lĩnh vực, chẳng hạn như vlogger, game thủ, nhà thiết kế thời trang, các nhà tạo mẫu,…
Trong những tháng gần đây, một số công ty như nền tảng phát video trực tuyến Bilibili và nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao đã công bố danh sách các nghề nghiệp mới, qua đó làm nổi bật các công việc trong những lĩnh vực như thương mại điện tử, chăm sóc thú cưng và thể thao điện tử.
Trên thực tế, nhiều người thuộc thế hệ Gen Z của Trung Quốc đang thực hiện các công việc liên quan đến vật nuôi, trong đó nhiều người cảm thấy thoải mái và thỏa mãn hơn khi làm việc cùng thú cưng.
Các công việc liên quan đến vật nuôi tại Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng của giới thượng lưu nước này. Theo ước tính của iResearch Consulting, vào năm 2020, doanh số bán hàng trên thị trường thú cưng của Trung Quốc đạt gần 300 tỷ nhân dân tệ (46,3 tỷ USD) và dự kiến sẽ tăng lên 445 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.
Sự thay đổi này đã đem đến nhiều ngành nghề liên quan, bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên chăm sóc, nhiếp ảnh gia và nhà tạo mẫu cho thú cưng.
Kent Chen, người điều hành một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử ở Quảng Châu, đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) để làm đám tang cho thú cưng của mình. "Nó đã ở bên tôi 8 năm. Nhiều đêm tôi bị kiệt sức với công việc và chỉ có nó ở bên", Kent Chen chia sẻ.
Một xu hướng công việc khác cũng đang tăng ở Trung Quốc được gọi là guochao, đề cập tới sự quan tâm về văn hóa và thời trang ở quốc gia này.
Theo dữ liệu từ Boss Zhipin, một nền tảng tuyển dụng trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, nhu cầu cho các vị trí liên quan đến guochao và văn hóa truyền thống Trung Quốc đã tăng 42% vào năm 2020 so với năm 2019.
"Tôi nghĩ thị trường guochao sẽ lớn mạnh trong tương lai, có thể lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Chúng tôi thấy nền văn hóa hiện tại cũng như các lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa phương Tây. Nếu có những thứ mang đậm bản sắc dân tộc, chúng sẽ trở nên có giá trị", Liu Wenhui, CEO của Wanfeng Shuwu, một công ty sản xuất đồ gỗ lấy cảm hứng từ nền văn hóa cổ đại Trung Quốc cho biết.
"Những ngành nghề mới rất thú vị, nhưng dường như chúng chỉ phù hợp cho những người dưới 35 tuổi", Jeff Luo, một nhân viên công nghệ thông tin nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/