|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đường cong Hubbert (Hubbert Curve) là gì?

15:22 | 06/12/2019
Chia sẻ
Đường cong Hubbert (tiếng Anh: Hubbert Curve) là một phương pháp dự đoán tốc độ sản xuất của bất kì loại tài nguyên thiên nhiên hữu hạn nào theo thời gian.
Crudeoilhubbert

Hình minh họa. Nguồn: energyeducation.ca

Đường cong Hubbert

Khái niệm

Đường cong Hubbert trong tiếng Anh là Hubbert Curve.

Đường cong Hubbert là một phương pháp dự đoán tốc độ sản xuất của bất kì loại tài nguyên thiên nhiên hữu hạn nào theo thời gian. Khi được biểu thị trên biểu đồ, đường cong Hubbert có hình dạng giống một đường cong hình chuông đối xứng.

Lí thuyết này được phát triển vào những năm 1950 để giải thích chu kì sản xuất nhiên liệu hóa thạch và hiện được coi là một chỉ báo chính xác về chu kì sản xuất của bất kì nguồn tài nguyên hữu hạn nào.

Đường cong Hubbert dựa trên một lí thuyết liên quan đến vòng đời khai thác của bất kì tài nguyên thiên nhiên hữu hạn nào, ví dụ như dầu mỏ: Tốc độ sản xuất ban đầu sẽ bị hạn chế khi mới chỉ có một vài hoạt động khai thác được tiến hành. Sau đó sản lượng khai thác được dần dần sẽ lên đến đỉnh nhờ có cơ sở hạ tầng hỗ trợ và hoạt động thăm dò để tìm kiếm tài nguyên được mở rộng. Cuối cùng, tài nguyên sẽ dần cạn kiệt. Tốc độ khai thác sẽ bắt đầu chậm lại và cuối cùng hoạt động sản xuất sẽ chấm dứt.

Lí thuyết này được phát triển bởi Marion King Hubbert, một nhà địa chất và địa vật lí người Mỹ. Mô hình của Hubbert kết hợp trữ lượng, tỉ lệ phát hiện mỏ dự trữ mới và tốc độ sản xuất vào trong một công thức dự đoán vòng đời của tài nguyên thiên nhiên; và dự đoán rằng đỉnh cao nhất của hoạt động sản xuất một tài nguyên thiên nhiên sẽ xảy ra ở giữa chu kì.

Ý nghĩa của đường cong Hubbert

Các dự đoán được trình bày bởi đường cong Hubbert mang tính trực quan và dễ hiểu. 

Chúng cũng có thể được áp dụng cả trên toàn cầu và trong một khu vực địa lí hạn hẹp. Nghĩa là, tổng sản lượng dầu trên toàn thế giới theo thời gian có thể được biểu thị theo đường cong Hubbert; hoặc sản lượng dầu của Saudi Arabia hoặc Texas có thể được biểu diễn trên biểu đồ với kết quả giống nhau đến mức đáng kinh ngạc.

Kể từ khi được công bố, lí thuyết này đã được đánh giá cao và phổ biến trong cộng đồng khoa học vì khả năng dự đoán sự cạn kiệt của bất kì tài nguyên thiên nhiên hữu hạn nào. 

Theo một số nhà phân tích ngành công nghiệp, sản lượng dầu tại Mỹ theo lí thuyết của Hubber đã đạt đến đỉnh trong những năm 1970. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về thời điểm đạt đến đỉnh của sản lượng dầu toàn cầu. Một số ý kiến cho rằng công nghệ mới để chiết xuất dầu đã đẩy lùi thời kì sản lượng dầu bị suy giảm sang một tương lai xa hơn.

Trong thế giới thực, đường cong Hubbert không phải lúc nào cũng là hình chuông đối xứng hoàn hảo. Những ảnh hưởng bên ngoài như qui định của chính phủ, việc phát hiện ra các nguồn tài nguyên thiên nhiên thay thế và các quyết định chính trị ảnh hưởng đến ngành khai thác tài nguyên có thể dẫn đến một đường cong sản lượng không đối xứng.

(Theo investopedia)

Giang