|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dự án túi chống ngập ô tô trên Shark Tank: Nửa năm bán được 9 sản phẩm, vẫn thu hút 4 cá mập tranh nhau xuống tiền

23:53 | 16/05/2021
Chia sẻ
CEO Hà Phước Thành đã có trải nghiệm "đau đầu" trên Shark Tank Việt Nam khi cùng lúc nhận được tới 4 lời mời đầu tư.

Tập 3 chương trình truyền hình "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" mùa 4 chứng kiến màn gọi vốn hấp dẫn khi có tới 4 nhà đầu tư đưa ra offer cho startup của CEO Hà Phước Thành. Dự án mà Hà Phước Thành mang đến Shark Tank Việt Nam là Covo – giải pháp túi bạt chống ngập dành cho xe ô tô.

4 Shark 'tranh nhau' đầu tư vào startup túi bạt chống ngập dành cho xe ô tô - Ảnh 1.

Giải pháp túi bạt của Covo biến chính khung xe thành một "chiếc xuồng" chống ngập. (Ảnh: Shark Tank)

Với giải pháp này, người dùng có thể chống nước hiệu quả cho ô tô của mình trong mùa lũ. Khi được bọc kín, xe ô tô có thể nổi lên như một chiếc phao. Theo ông Thành, trong mọi trường hợp, nước sẽ không ngập quá nửa chiếc xe. Vì thế, giải pháp Covo có thể đảm bảo an toàn trong trường hợp mưa lớn, ngập lụt. Covo tìm kiếm đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.

Mặc dù các Shark đều tỏ ra thích thú trước giải pháp của Covo, nhưng doanh số của dòng sản phẩm này lại khiến mọi người bất ngờ. Sau khi ra sản phẩm hồi tháng 11 năm ngoái, đến thời điểm gọi vốn, Covo mới chỉ bán được 9 sản phẩm với lý do tung ra thị trường vào cuối mùa lũ. CEO Hà Phước Thành cũng chia sẻ hiện đã đăng ký bản quyền cho Covo song phải tới đầu năm 2022 mới có kết quả.

Trong năm 2021, Covo kỳ vọng có thể bán được 1.000 sản phẩm với lãi gộp khoảng 30%, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng. Thừa nhận quy mô lợi nhuận này là khá thấp so với một sản phẩm có mức độ độc đáo cao, Hà Phước Thành chia sẻ muốn đưa mô hình của mình ra nước ngoài.

Bà Đỗ Thị Kim Liênlà người đầu tiên đưa ra offer cho Covo với mức đầu tư 1 tỷ cho 45% cổ phần công ty kèm theo lời hứa ngay lập tức sẽ có 1.000 khách hàng mua sản phẩm. Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng mức định giá của Shark Liên là khá thấp, ông đưa ra mức đầu tư 1 tỷ chỉ đổi lấy 25% cổ phần. Việc sở hữu một công ty bảo hiểm và liên quan đến rủi ro của xe ô tô giúp Shark Liên có những lợi thế nhất định khi đàm phán đầu tư cho startup này.

Ông Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty đúng như mức đầu tư Covo đề nghị. Dù vậy, ông đề nghị thêm mức phí 500.000 đồng cho mỗi sản phẩm bán ra cho 10.000 sản phẩm đầu tiên.

Ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng là những thị trường tiềm năng cho Covo vì đặc thù thời tiết. Vì lý do này, ông Bình nói rằng thương mại điện tử sẽ là cách nhanh nhất để Covo mở rộng thị trường. 

Sở hữu mạng lưới và kinh nghiệm làm thương mại điện tử, Shark Bình đầu tư 1 tỷ đồng không lấy cổ phần. Đổi lại, Shark Bình thu 500.000 đồng trên mỗi sản phẩm bán ra cho đến khi thu hồi vốn và đạt lợi nhuận 5 tỷ đồng. Sau đó, mỗi sản phẩm bán ra, Shark Bình thu 250.000 đồng/sản phẩm.

Việc thu phí trên mỗi sản phẩm là một trong những dạng offer không thường xuất hiện nhiều ở Shark Tank Việt Nam các mùa trước. Tuy nhiên trên thực tế ở Shark Tank Mỹ, các nhà đầu tư rất thường xuyên đưa ra lời đề nghị dạng này (lấy ít cổ phần nhưng thu tiền trên mỗi sản phẩm bán ra).

Bốn Shark tham gia đầu tư có nhiều tranh cãi trong màn gọi vốn này để giành lấy sự quan tâm của Hà Phước Thành. Shark Bình thậm chí còn hứa có thể quẹt thẻ đặt cọc ngay nếu startup đồng ý. Cuối cùng, CEO Hà Phước Thành đồng ý với deal đầu tư của Shark Hưng.

Dẫu vậy, ông Hưng tiếp tục đưa ra lời đề nghị đề bà Đỗ Liên cùng tham gia đầu tư. Tỷ lệ vốn và cổ phần không được chia sẻ trên sóng truyền hình.

Đây không phải là lần đầu tiên trong mùa 4 một startup nhận được cam kết "cọc" ngay trong buổi ghi hình từ nhà đầu tư. Tuy nhiên nhà sáng lập Covo vẫn quyết định lựa chọn lời đề nghị của ông Phạm Thanh Hưng, sau khi cân nhắc điều kiện của các offer cũng như thế mạnh mà Shark Hưng có thể đem lại cho dự án.

Nam Khánh