Đồng tiền pháp định (Legal Tender) là gì? Đồng tiền pháp định ở các nước
Hình minh họa. Nguồn: absfreepic.com
Đồng tiền pháp định
Khái niệm
Đồng tiền pháp định trong tiếng Anh là Legal Tender.
Đồng tiền pháp định là bất kì phương tiện thanh toán chính thức nào được pháp luật công nhận có thể được sử dụng để thanh toán một khoản nợ công hoặc tư nhân, hoặc đáp ứng một nghĩa vụ tài chính.
Trong hầu hết các nước, đồng tiền quốc gia đồng thời là đồng tiền pháp định. Một chủ nợ có nghĩa vụ phải chấp nhận đồng tiền pháp định khi được trả nợ. Đồng tiền pháp định chỉ có thể được ban hành bởi cơ quan quốc gia được ủy quyền như ngân hàng trung ương các nước hay Sở Đúc tiền Hoàng gia Canada.
Đồng tiền pháp định ở các nước
Tại Mỹ, đồng tiền pháp định bao gồm đôla Mỹ và tiền xu do Cục Dự trữ Liên bang phát hành. Do đó, séc hoặc thẻ tín dụng không phải là đồng tiền pháp định mà chỉ là phương tiện để người giữ séc có thể nhận được đồng tiền pháp định cho khoản nợ.
Các loại tiền tệ được chấp nhận rộng rãi như đôla Mỹ và đồng euro được chấp nhận là đồng tiền pháp định ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại những nơi các loại tiền này bị thiếu hụt. Các quốc gia có quan hệ kinh doanh và văn hóa sâu rộng cũng có thể chấp nhận tiền tệ của nhau như là đồng tiền pháp định với số lượng hạn chế.
Ví dụ: một số nhà kinh doanh Mỹ và Canada ở gần biên giới Mỹ - Canada chấp nhận cả đôla Canada và đôla Mỹ để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ.
Đồng đôla Mỹ cũng được sử dụng làm đồng tiền pháp định tại các quốc gia không phát hành tiền tệ riêng hoặc thấy rằng đồng đôla Mỹ ổn định thích hợp với nền kinh tế hơn so với đồng tiền của chính nước mình.
Ví dụ, Ecuador đã sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền pháp định vào năm 2000 sau khi đồng sucre do nước này phát hành mất giá nhanh chóng đến mức 1 đôla Mỹ đổi được 25.000 sucres. Việc chấp nhận đồng đôla Mỹ làm đồng tiền pháp định thường được gọi là "đôla hóa".
Đồng tiền pháp định và đồng tiền mã hóa
Ngày càng có nhiều yêu cầu đối sử dụng các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin làm tiền pháp định. Mặc dù có nhiều nền tảng trực tuyến cung cấp các sản phẩm có thể được mua bằng tiền mã hóa, nhưng chúng không phải tiền pháp định ở Mỹ cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ. Đối mặt với siêu lạm phát năm 2008, Tổng thống Nicolas Madura của Venezuela đã ra lệnh cho tất cả các tổ chức liên bang chấp nhận một loại tiền điện tử mới, petro, làm đồng tiền pháp định. Đồng petro được đảm bảo bởi trữ lượng khí đốt, khoáng sản và dầu tự nhiên của Venezuela.
Cộng hòa Quần đảo Marshall nhỏ bé cũng tuyên bố rằng họ sẽ dùng một loại tiền điện tử mới là sovereign làm đồng tiền pháp định. Tuy nhiên, sovereign sẽ được neo giá với một thị trường tiền mã hóa ngang hàng, phi tập trung hiện có.
Trong khi đó, đồng petro của Venezuela được kiểm soát chính bởi chính phủ Venezuela, dựa trên ước tính của riêng họ về giá trị tài nguyên thiên nhiên của Venezuela.
(Theo investopedia)