Động cơ của nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu chững lại
Theo Wall Street Journal (WSJ), doanh số bán lẻ tại Mỹ đã sụt giảm trong 3 trên 4 tháng vừa qua. Chi tiêu cho dịch vụ sau khi điều chỉnh theo lạm phát, bao gồm cả thuê nhà, cắt tóc và phần lớn hóa đơn đã không đổi trong tháng 12. Kết quả này đánh dấu tháng tồi tệ nhất trong vòng gần một năm.
Doanh số bán nhà tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2014 khi lãi suất thế chấp tăng. Ngành công nghiệp ô tô cũng công bố doanh số tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ.
Tình hình hiện nay trái ngược hoàn toàn so với nửa sau của năm 2020, khi người tiêu dùng Mỹ cứu nền kinh tế khỏi suy thoái do đại dịch. Vào cuối năm 2020, người tiêu dùng đã chi mạnh cho xe đạp thể dục, TV, máy tính xách tay trong thời gian cách ly phòng dịch.
Khi các hạn chế được dỡ bỏ, người Mỹ lại tìm đến những nhà hàng và các địa điểm du lịch yêu thích. Nhờ vào các gói hỗ trợ của chính phủ, tài khoản tiết kiệm dồi dào, tín dụng giá rẻ, người Mỹ tiếp tục chi tiêu, ngay cả khi lạm phát đã bắt đầu đi lên.
Đối mặt với chi phí tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ, người Mỹ đã nâng chi tiêu để vượt qua lạm phát. Trong đa phần năm 2022, tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ cao hơn lạm phát khoảng 2 điểm phần trăm.
Giờ đây, động lực giúp chi tiêu cao đang suy giảm, trong khi lạm phát vẫn dai dẳng. Vào tháng 12/2021, tỷ lệ thu nhập hàng tháng mà người Mỹ dùng để tiết kiệm là 3,4%, giảm từ 7,5% một năm trước. Vào tháng 4/2020, tỷ lệ này từng lên mức kỷ lục là 33,8%.
Lãi suất thẻ tín dụng cũng đang tăng, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tuần này.
Lạm phát vẫn ở ngưỡng trên 5% vào tháng 12/2022. Đã 19 tháng liên tiếp tốc độ tăng giá tiêu dùng của Mỹ ở trên mức này, một kỷ lục kể từ đầu những năm 1980.
- TIN LIÊN QUAN
-
Sau khi bán bớt tài sản và tiêu gần cạn tiền tiết kiệm, dân Mỹ chuyển sang vay nợ để trang trải cuộc sống 30/11/2022 - 19:39
Tại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng đóng góp 70% nền kinh tế. Việc chi tiêu giảm là một trong những lý do chính khiến các doanh nghiệp và nhà kinh tế được WSJ khảo sát dự báo khả năng suy thoái trong 12 tháng tới là 61%. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế, Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái nếu hành vi tiêu dùng ổn định trở lại.
Ngoài ra còn một yếu tố khác đang làm việc dự báo trở nên khó khăn hơn: Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ, nhiều tập đoàn lớn, bao gồm Amazon, Goldman Sachs và Microsoft đã bắt đầu sa thải lao động.
“Pháo đài vững mạnh cuối cùng là thị trường lao động, nhưng tôi không nghĩ rằng [thị trường này] có thể chịu đựng tất cả các áp lực khác”, Kinh tế trưởng của công ty bảo hiểm Nationwide, bà Kathy Bostjancic cho biết.
Cho tới nay, việc làm vẫn còn nhiều, và lương tiếp tục tăng trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,5% vào tháng 12/2022, trong khi lương theo giờ đã tăng 4,6% so với năm ngoái.
Theo Bộ Lao động Mỹ, vào tháng 11/2022, có khoảng 10,5 triệu việc làm cần tuyển dụng, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.
“Hộ gia đình có được sử thoải mái hiếm thấy về triển vọng việc làm”, bà Marianne Wanamaker, một nhà kinh tế tại Đại học Tennessee, nhận định. “[Người lao động] có thể tìm việc ngay lập tức nếu muốn”.
Tuy vậy, vẫn còn những dấu hiệu về sự suy yếu của thị trường này. Nhà tuyển dụng đang sa thải nhân viên tạm thời với tốc độ cao, và người mất việc đang tốn nhiều thời gian hơn để có công việc mới.
Trong khi đó, số giờ làm việc trong một tuần đã giảm vào tháng thứ hai liên tiếp, ảnh hưởng tới tiền lương thực tế của người lao động.
Nỗi lo của người tiêu dùng
Việc Fed tăng lãi suất liên tục trong năm vừa qua đã đẩy chi phí của tất cả loại nợ lên cao. Lãi suất thế chấp đã chạm đỉnh trong vòng 20 năm vào mùa thu năm ngoái.
Vào quý IV/2022, khoảng 57% người tiêu dùng lo lắng về các khoản thanh toán tiền nhà, theo một khảo sát của Freddie Mac. Trong quý trước đó, tỷ lệ này chỉ là 48%.
“Có lẽ chúng ta sẽ có lãi suất cao hơn trong một thời gian khá dài. Điều này sẽ dần làm giảm tiêu dùng. Tuy nhiên tác động vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ”, nhà kinh tế học Kenneth Rogoff tại Đại học Harvard cho biết.
Theo chi nhánh New York của Fed, dư nợ thẻ tín dụng đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Ngoài ra, hàng chục triệu người Mỹ sẽ bắt đầu hoặc tiếp tục thanh toán các khoản vay sinh viên vào cuối năm nay, sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết về kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden.
Đồng thời, nhiều người nộp thuế sẽ nhận được số tiền hoàn lại thấp hơn khi khai thuế vào tháng tới. Quốc hội Mỹ đã không gia hạn những ưu đãi thuế có từ thời đại dịch COVID.
Hầu hết người Mỹ mất việc cũng sẽ nhận được những khoản trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng hoặc ngắn hơn. Trong thời đại dịch, người Mỹ từng được nhận các khoản trợ cấp trong vòng 18 tháng, và một số trường hợp còn được chi trả cao hơn cả tiền lương.
Các khoản trợ cấp này là lý do khiến tiết kiệm của hộ gia đình đạt đỉnh vào năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ tiết kiệm dần giảm xuống còn khoảng 3%. Vào năm 2019, tỷ lệ này là 8,8%.
Các nhà máy, doanh nghiệp vận tải và nhà nhập khẩu Mỹ cũng đang dự đoán nhu cầu người Mỹ sẽ thấp hơn trong những tháng tới. Khối lượng hàng hóa đến cảng Los Angeles và Long Beach đã giảm 20,1% trong tháng 12 so với một năm trước đó.
Ông Nicholas Hobbs, CEO của công ty quản lý vận tải J.B. Hunt Transport, cho biết công ty đã nhận thấy nhu cầu giảm xuống đối với các sản phẩm lớn và cồng kềnh, bao gồm thiết bị gia dụng, đồ nội thất và thiết bị tập thể dục, bất chấp các nhà bán lẻ có mức chiết khấu nhiều hơn.