Hà Nội 15 °C | 11:44PM, 15/12/2024
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tầng lớp trung lưu Mỹ - Trung cùng thắt lưng buộc bụng phòng bất trắc kinh tế

11:00 | 31/01/2023
Chia sẻ
Bước sang năm 2023, các gia đình trung lưu ở Trung Quốc và Mỹ đã chuyển sang trạng thái thắt lưng buộc bụng để chống đỡ những khó khăn kinh tế của năm trước đó. Tuy nhiên, cách làm của mỗi nước đang dần xuất hiện những khác biệt sau thời gian dài có những điểm tương đồng.

Thắt lưng buộc bụng

Bị đè nặng bởi những khó khăn kinh tế của năm trước như đại dịch và hậu quả của chiến sự Ukraine, các hộ gia đình trung lưu tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chọn thắt lưng buộc bụng khi bước sang năm 2023.

Tại Trung Quốc, cô Emily Hong (30 tuổi), giám đốc một công ty truyền thông, đang rơi vào một cái hố không đáy. Hong hiện đang sống ở Thâm Quyến và cô vẫn phải trả các khoản vay thế chấp mặc dù lương của bản thân đã giảm hai lần kể từ cuối năm 2021.

Bà mẹ hai con đã hỏi vay bạn bè, buộc phải bán một trong hai căn hộ của mình vào năm 2021 với giá thấp hơn giá thị trường. Hiện tại, cô đang sống cùng bố mẹ, tờ SCMP cho hay.

“Đáng ngại hơn là, tôi nghĩ tình hình tài chính của mình trong vài năm tới sẽ còn tồi tệ hơn [cả năm 2022]”, cô Hong cho hay sau khi cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu cá nhân.

Nick Liang đã thành lập một công ty quảng cáo ở Quảng Đông sau nhiều năm làm việc cho các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh quốc tế.

Anh đang sở hữu ba bất động sản, nhưng giá của chúng đã sụt khoảng 20% trong vài năm qua. Bộ sưu tập rượu whisky Nhật Bản và đồng hồ Rolex của Liang cũng mất giá “vì thu nhập của mọi người đã giảm mạnh” kể từ năm ngoái.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, tại thành phố Gresham (Oregon, Mỹ), ông Gabe Franklin cùng vợ và 5 người con cũng đang cân nhắc chi tiêu dè sẻn, sau khi giá xăng dầu và hàng tạp hoá tăng cao vào năm ngoái. Song, gia đình ông không quá luống cuống.

“Nếu suy thoái xảy ra, mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn một chút nhưng tôi không cần nhận thêm việc khác. Tôi đoán có thể chúng tôi sẽ ít ăn tối bên ngoài hay hạn chế mua sắm vào các dịp sinh nhật hơn”, ông Gabe, một giáo viên 45 tuổi, cho hay.

(Ảnh minh hoạ: SCMP).

Trung Quốc đã bớt mơ mộng về Mỹ

Từ lâu, hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc được cho là luôn song hành cùng nhau. Tuy nhiên, khác với một thập kỷ trước, tầng lớp trung lưu Trung Quốc hiện nay có thể không còn xem Mỹ là hình mẫu kinh tế của họ.

Năm nay, thói quen chi tiêu của người dân hai nước đã xuất hiện những khác biệt. Điều này phản ánh niềm tin vào địa vị của tầng lớp trung lưu Mỹ, những người đã trụ vững qua nhiều cuộc suy thoái trong 90 năm qua.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu mới nổi lên gần đây của Trung Quốc lại đang lo lắng không yên về nguy cơ sa sút kinh tế và nghèo đói, SCMP dẫn lời các nhà phân tích nhận xét.

Ông Zhu Zhiqun, giáo sư về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, cho hay: “Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc là một hiện tượng mới, trong khi ưu tiên hàng đầu của tầng lớp trung lưu ở Mỹ là duy trì vị thế của mình”.

Fitch Ratings dự báo Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong quý II/2023, trong khi The Economist Intelligence Unit cảnh báo hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ tương đối yếu ớt trong nửa đầu năm, sau khi tăng trưởng chững về mức 3% vào năm ngoái do phong toả và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nền kinh tế đi chậm lại đã khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc hạ thấp kỳ vọng về tài sản trong năm 2022. Nhu cầu hàng hoá ở thị trường trong nước, châu Âu và Mỹ đi xuống cũng ảnh hưởng đến triển vọng làm giàu của họ.

Năm ngoái, chỉ 29% cho biết họ đã trở nên khá giả hơn, dữ liệu từ Wu Xiaobo Channel cho thấy. Một năm trước, tỷ lệ này là 55%.

Giờ đây, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có vẻ không còn quá khao khát lối sống của những người trung lưu tại Mỹ.

Chính sách thịnh vượng chung của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo trong nước hiện là mục tiêu phát triển chính của quốc gia. Chủ trương này sẽ giúp mở rộng tầng lớp trung lưu tại đất nước tỷ dân.

Hồi tháng 1 năm ngoái, ông Ning Jizhe, lãnh đạo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết nước này đang có hơn 400 triệu người có thu nhập trung bình, tương đương 140 triệu hộ gia đình.

Theo ông Ning, một gia đình ba người có thu nhập trung bình vào khoảng 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.772 USD) đến 500.000 nhân dân tệ mỗi năm.

Ông Scott Savitt, một tác giả kiêm giáo viên người Mỹ đã sống 18 năm ở Trung Quốc, cho biết những người Trung Quốc mà ông biết từng khao khát leo lên tầng lớp trung lưu bằng cách chuyển đến Mỹ.

“Hồi đó, mục tiêu cao nhất của họ là gửi con cái đến học tại Havard”, ông kể. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm qua, những thay đổi trong nền chính trị Mỹ đã ngăn cản họ coi Mỹ là một phần trong mục tiêu đó, ông nhận định.

Chia sẻ với SCMP, cô Jenny Zhong, chủ một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ ở Quảng Châu, cho biết: “Chúng tôi từng ngưỡng mộ sự tự do và thời thượng của nước Mỹ, nhưng giờ đây thế hệ trẻ không còn khao khát, ghen tị đến vậy”.

Anh Liang, chủ công ty quảng cáo ở Quảng Đông, cho rằng người Trung Quốc đã lần nữa hướng về quê nhà thay vì Mỹ và xu hướng này đã diễn ra trong thập kỷ vừa qua.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc từng mong muốn theo đuổi một xã hội tự do kiểu phương Tây, hy vọng có thể đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài và mua sắm các thương hiệu ngoại quốc, Liang cho hay.

“Bây giờ, chúng tôi có thể thấy rằng tiến trình toàn cầu hoá gần như đã dừng lại và tầng lớp trung lưu đang mở rộng của Trung Quốc phải hướng về thị trường nội địa, làm những việc phù hợp với xu hướng Trung Quốc, đồng thời phải đầu tư một cách thận trọng”, Liang bày tỏ.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.