|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc đi ra nước ngoài khi chính sách Zero COVID kết thúc

14:29 | 27/01/2023
Chia sẻ
Quyết định bỏ các hạn chế di chuyển phòng dịch COVID đang đẩy nhanh làn sóng di cư của giới nhà giàu Trung Quốc.

Theo Bloomberg, kể từ khi chính sách Zero COVID được dỡ bỏ vào tháng 12, nhiều người giàu tại Trung Quốc đã bắt đầu đi ra nước ngoài để khảo sát bất động sản hoặc lên kế hoạch di cư. 

Trong hai năm qua, các chính sách của Trung Quốc nhắm vào những ngành như công nghệ, bất động sản và giáo dục, cùng với nỗ lực thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” đã khiến người giàu tại nước này lo sợ.

Các cố vấn cho giới nhà giàu nói rằng, sự lo ngại trên đã trở nên lớn hơn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 10 năm ngoái. Công ty nhập cư Sobirovs nhận thấy khách hàng Trung Quốc đang vội vã tìm cách di cư tới Canada. 

Du khách Trung Quốc đang lên tàu cao tốc tại khu vực đảo Bali, Indonesia hôm 25/1. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP/Getty Images).

Trước đại dịch, mỗi năm có khoảng 150 tỷ USD vốn rút khỏi Trung Quốc theo dòng người di cư. Theo bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis, số tiền này có thể cao hơn trong năm 2023, do người giàu Trung Quốc đã không thể du lịch trong ba năm qua.

Bà Garcia Herrero nhận định: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với dòng tiền chảy ra nước ngoài lớn trong năm nay, gây áp lực lên đồng nhân dân tệ và tài khoản vãng lai”.

Bà cho biết dòng vốn có thể sẽ không lớn như những năm trước nếu người dân không rút được tiền. Tuy nhiên, dòng chảy này vẫn sẽ ảnh hưởng tới lực lượng lao động, năng suất và tăng trưởng.

Trung Quốc có số lượng người siêu giàu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo báo cáo hồi tháng 9 của Credit Suisse, có hơn 32.000 người Trung Quốc nắm giữ khối tài sản trên 50 triệu USD.

Sự ra đi của những người giàu có đã bắt đầu từ năm ngoái. Theo New World Wealth, khoảng 10.800 người Trung Quốc giàu có đã di cư vào năm 2022, nhiều nhất kể từ năm 2019, và nhiều thứ hai trên thế giới, sau Nga.

Theo nhà tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners, các câu hỏi về vấn đề di cư từ Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần sau khi nước này mở cửa so với chỉ một tuần trước đó.

Juwai IQI, một công ty hỗ trợ hoạt động bán bất động sản quốc tế cho khách ở châu Á, cho biết số lượng yêu cầu của người mua tại Trung Quốc đã giảm 26% vào năm 2021 và 11% vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này đã tăng 55% vào năm 2023.

Số lượng người di cư từ Trung Quốc đã tăng trở lại trong năm 2022. 

Ông Denny Ko, một luật sư nhập cư ở Hong Kong, nói rằng những người thực sự giàu có đã chuẩn bị các kế hoạch dự phòng trong nhiều năm. Những người đang tìm kiếm lựa chọn di cư thường ở tầng lớp thấp hơn, bao gồm trung lưu cao, doanh nhân và giám đốc cấp cao.

Những tìm kiếm và đề cập đến từ khóa “di cư” trên mạng xã hội Wechat đã tăng gấp 5 lần vào ngày 26/12 so với chỉ một ngày trước đó, lên mức 110,7 triệu lượt. 26/12 là ngày Trung Quốc hạ mức độ nguy hiểm của COVID và tuyên bố hủy bỏ mọi biện pháp kiểm dịch.

Ra nước ngoài không dễ

Khi người giàu tìm cách đầu tư ra nước ngoài, các ngân hàng tư nhân cũng đã có sự chuẩn bị. Những ngân hàng trên đã thuê văn phòng ở Singapore để phục vụ giới nhà giàu Trung Quốc.

Cơn lũ tiền đổ về Singapore đã khiến giá cả mọi thứ, từ biệt thự, thẻ hội viên xe hơi cho đến doanh số xe sang tại quốc đảo này tăng chóng mặt.

Sân golf Marina Bay tại Singapore. (Ảnh: Wei Leng Tay/Bloomberg).

Trung Quốc duy trì chính sách kiểm soát vốn chặt chẽ. Mỗi công dân chỉ có thể chuyển đối số nhân dân tệ trị giá 50.000 USD sang ngoại tệ mỗi năm. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế đó, sự trở lại của hoạt động du lịch cũng sẽ khiến hàng tỷ USD rời khỏi Trung Quốc.

Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong cho biết: “Nếu vài triệu người đi du lịch trong năm ngay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể giảm đi hàng chục tỷ USD”.

Ông chen ước tính rằng dòng vốn chảy ra do du lịch có thể đạt từ 100 đến 200 tỷ USD trong năm nay. Ông cho rằng dòng vốn này sẽ “tạo ra một số áp lực giảm giá” đối với đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn có thể can thiệp và bảo vệ đồng nội tệ. 

Các gia đình Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc di cư. Theo bà Iris Pang, kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Quốc tại ING Groep, sự suy yếu của nền kinh tế tại các điểm đến phổ biến như châu Âu và Mỹ có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm việc làm của người di cư Trung Quốc.

Đồng thời, các chính sách nhập cư cũng đang được các nước châu Âu từ Bồ Đào Nha tới Malta thắt chặt.

Theo một ngân hàng tư nhân, chi phí để chuyển tiền ra nước ngoài đã tăng lên 12 cent/1 USD (tức 12%) vào cuối năm 2022 do chính phủ siết chặt quy định. Trước đại dịch, chi phí chuyển tiền chỉ là 1 cent/1 USD (1%).

Minh Quang