|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam và các nước ASEAN sẽ hưởng lợi như thế nào khi Trung Quốc mở cửa trở lại?

14:00 | 24/01/2023
Chia sẻ
HSBC cho rằng ASEAN có vị thế tốt để nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi phục hồi ấn tượng vào năm 2022. Lợi ích trực tiếp đến từ lĩnh vực du lịch vốn chịu nhiều ảnh hưởng, ngoài ra còn có FDI và thương mại.

Trong báo cáo vừa công bố, HSBC cho rằng Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây sẽ tác động đến ASEAN theo ba hướng chính trong năm 2023.

Thứ nhất là du lịch. HSBC cho rằng Thái Lan và Việt Nam sẽ là hai quốc gia hưởng lợi rõ ràng khi khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng du khách trước đại dịch. Doanh thu du lịch phục hồi đáng kể sẽ nâng cao vị thế tài khoản vãng lai của hai nước này, vốn đã trải qua tình trạng thâm hụt liên tục. Ngay cả ở những thị trường không phụ thuộc nhiều vào du lịch, sự quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ thúc đẩy phục hồi về việc làm.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố, lượng đặt vé đi Thái Lan đã tăng 400% trên Trip.com, đưa Thái Lan trở thành một trong năm điểm đến phổ biến nhất của du khách Trung Quốc. Chuyên gia tại đây ước tính nếu khách du lịch Trung Quốc trở lại mức trước đại dịch và chi hết tiền cho hàng hóa sản xuất trong nước, thì Thái Lan có thể đóng góp tối đa 1,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy sự hồi sinh du lịch của Việt Nam một cách ấn tượng vì tương tự như Thái Lan, khách du lịch Trung Quốc từng chiếm khoảng 30%. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm.

Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú. Ngoài ra, thị trường việc làm phi chính thức của Việt Nam thậm chí còn dễ bị tác động bởi du lịch, cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng và giải trí.

 

 

 

Lĩnh vực tiếp theo là xuất khẩu. Theo HSBC, kể từ năm 2020, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vì vậy xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc. Nhưng mức độ mỗi nơi một khác.

Indonesia và Malaysia nhiều khả năng sẽ tiếp tục có kết quả vượt trội trong xuất khẩu do giá hàng hóa vẫn ở mức cao. Trong khi đó, xuất khẩu nông sản từ Thái Lan, Philippines và Việt Nam có thể sẽ được hỗ trợ đáng kể từ nhu cầu đang bùng nổ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khối phân tích cho rằng mặc dù có một số khả năng phục hồi, ASEAN rất dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ công nghiệp của Trung Quốc, do đó dễ bị tác động bởi khó khăn về thương mại toàn cầu.

 

Thứ ba là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của ASEAN, từ chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan, đến hàng điện tử tiêu dùng ở Việt Nam, cũng như ngành hàng dược phẩm đầy triển vọng của Singapore. Các ví dụ điển hình bao gồm kế hoạch của Apple chuyển chuỗi cung ứng MacBook sang Việt Nam và kế hoạch của BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, xây dựng một trung tâm sản xuất ở Thái Lan, trung tâm sản xuất đầu tiên của họ ở ASEAN.

HSBC hy vọng sẽ thấy FDI từ Trung Quốc đặt nền móng cho thương mại trong tương lai.

"Nhìn vào lĩnh vực sản xuất, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng FDI từ Trung Quốc, vốn trước đây tập trung đầu tư nhiều vào bất động sản. Mặc dù quá trình này bị gián đoạn một phần do đại dịch, nhưng sau khi mở cửa trở lại, việc thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tiếp tục phát triển mạnh", các chuyên gia tại đây dự báo.

 

 

 

Anh Đào