“Mục tiêu tăng trưởng GDP 2023 đạt 6,5% là một mức mà chúng ta sẽ phải rất nỗ lực”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định về triển vọng kinh tế năm 2023.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho rằng bức tranh kinh tế 2023 đan xen cả cơ hội lẫn thách thức, chúng ta không nên bi quan quá bởi vẫn có nhiều “gam màu sáng”.
Những nhận định của các chuyên gia đều cho thấy sự khó khăn khi bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều thách thức. Theo tờ Bloomberg, 2022 là một năm ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu nhưng năm sau có thể còn tệ hơn.
Rất rõ ràng, chúng ta không thể đứng ngoài vòng xoáy của kinh tế thế giới khi Việt Nam là một quốc gia năng động với độ mở lớn. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế của riêng mình với trụ đỡ nông nghiệp, dư địa trong chính sách tài khoá và động lực từ giải ngân vốn đầu tư công. Nói cách khác, đâu đó, vẫn có ánh sáng ở phía cuối đường hầm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy thoái vào năm 2023. Dù sự suy thoái này được dự báo là “suy thoái ở mức nhẹ, diễn ra trong thời gian ngắn” song Việt Nam cũng sẽ đứng trước những tác động về xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch,… khiến cho kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với năm nay. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế ở kịch bản cơ sở sẽ khoảng 6% đến 6,5%.
Bên cạnh tăng trưởng ở mức thấp hơn, áp lực lạm phát của Việt Nam cũng sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái. Lý do chính là sự ảnh hưởng tới Việt Nam có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng vì thế và chậm hơn. Năm 2023 còn là năm thuộc lộ trình bắt buộc phải tăng giá một số giá hàng hoá cơ bản. Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ bản thêm 20% vào 1/7/2023, đồng thời cũng đang cân nhắc để tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục là những dịch vụ thiết yếu. Thêm nữa là độ trễ của lượng cung tiền trong những tháng cuối năm nay và trong năm tới vẫn khá chậm.
TS. Lực hy vọng rằng trong những tháng tới, vòng quay tiền sẽ ở mức độ nhanh hơn và như vậy áp lực lạm phát sẽ cao hơn, dự báo ở mức 4 - 4,5%.
Thách thức thứ hai đối với kinh tế vĩ mô 2023 là các động lực cho nền kinh tế đến nay vẫn chưa được đẩy nhanh lên. Giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình trọng điểm quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển,…còn thực hiện tương đối chậm. Nếu không có đột phá thì sẽ khó có thể đạt được kế hoạch đề ra.
Cuối cùng là thách thức đối với nền kinh tế từ rủi ro mới xuất hiện trên thị trường tài chính, thị trường bất động sản, các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp, thanh khoản của nền kinh tế,… “Chúng ta phải khoanh vùng và xử lý rốt ráo để đảm bảo vừa ổn định được thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo tăng trưởng”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Theo nhận định của chuyên gia Cấn Văn Lực, một điều rất quan trọng là áp lực từ bên ngoài đã giảm đáng kể. Áp lực lạm phát, áp lực lãi suất, áp lực tỷ giá năm tới sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với năm nay. Đây là một vấn đề then chốt của kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong năm sau. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường tài chính, tiền tệ cũng sẽ dồi dào hơn so với năm nay.
Áp dụng mô hình tính toán, TS. Lực nhận định kinh tế thế giới có suy thoái nhưng sẽ ở mức nhẹ và ngắn hạn, tức là tăng trưởng kinh tế thế giới năm tới vẫn có thể ở mức trên 2%, thấp hơn mức 3% của năm 2022 nhưng không quá trầm trọng.
Ông cũng đánh giá, suy thoái kinh tế thế giới sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn từ 10 tháng đến một năm và xảy ra cục một ở một số quốc gia chứ không phải tất cả. Vì vậy, đúng là chúng ta có chịu tác động tiêu cực về xuất khẩu, đầu tư, du lịch quốc tế, tiêu dùng nhưng ở mức độ vừa phải, không quá lớn.
Một điểm tích cực nữa, đó là chúng ta vẫn đã và đang tranh thủ tích cực các Hiệp định thương mại tự do tương đối tốt. Đây là câu chuyện quan trọng để chúng ta đa dạng hoá thị trường bù đắp lại thâm hụt của xuất khẩu và đầu tư FDI.
Đúng là cả bên ngoài và bên trong, kinh tế Việt Nam đều đang gặp bất lợi nhưng nền tảng kinh tế vĩ mô và kinh nghiệm quản lý rủi ro của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ có cơ sở vượt qua thách thức trong năm 2023”, ông nói.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại rất đáng kể trong năm 2023 nhưng riêng Trung Quốc thì tăng trưởng lại tốt hơn 2022. Lý do là bởi hai yếu tố: Nới lỏng chính sách Zero - COVID và việc xử lý tốt hơn thị trường bất động sản.
Sau giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, Trung Quốc đã đưa ra 16 điểm quan trọng để giải cứu toàn diện thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách Zero - COVID sẽ mang đến tác động tích cực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS. Võ Trí Thành đánh giá Trung Quốc đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do đó, nếu kinh tế Trung Quốc tốt lên thì tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ tích cực, trong đó Việt Nam với đặc điểm là một nền kinh tế rất mở cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu của các thị trường xuất khẩu tăng lên.
Đó là chưa kể, về quan hệ trực tiếp, Trung Quốc là đối tác quan trọng của Việt Nam trong thương mại, xuất nhập khẩu. Đây là thị trường xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, công nghiệp lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nơi cung cấp hàng trung gian, đầu vào cho rất nhiều mặt hàng của Việt Nam sản xuất để xuất khẩu. Đây cũng là đối tác đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero - COVID là một nhân tố tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vậy, việc Trung Quốc mở cửa cũng có tác động tiêu cực đến Việt Nam như vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, về lâu dài việc chúng ta dựa quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu nông sản hay nhập khẩu nguyên vật liệu phụ thuộc vào Trung Quốc cũng ẩn chứa những nguy cơ trong tương lai, TS. Thành lưu ý.
Bình luận về những động lực tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM, thẳng thắn chỉ ra rằng những động lực tạo nên tăng trưởng của Việt Nam 2023 đang suy giảm dần.
Động lực về xuất khẩu hiện đang suy giảm, chính sách tiền tệ hiện đang ưu tiên số một là chống lạm phát nên sẽ không thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư công khó khăn và nhu cầu trong nước chắc chắn giảm do lạm phát tăng cao, thu nhập giảm.
Theo TS. Cung, năm 2023 trở lên khó khăn hơn và trong khó khăn như vậy để tạo động lực mới thì cần có những cải cách đột phá.
Nhìn lại kinh nghiệm của Việt Nam qua các thời kỳ, ông Cung đánh giá “khi có khủng hoảng thì luôn luôn có cải cách”. Thời kỳ khó năm năm 1997-2000, Luật Doanh nghiệp được ban hành tạo ra một luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh.
Đến năm 2010-2012 có Chương trình tái cơ cấu tổng thể phục hồi tăng trưởng, sau đó từ năm 2014, chúng ta đã có những Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. “Thời điểm hiện nay, rất cần có sự cải cách, đột phá như thế, ông Cung nói.
Là một người dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về quản lý kinh tế tại Việt Nam, nguyên Viện trưởng CIEM chỉ ra rằng, động lực quan trọng có thể thúc đẩy kinh tế năm 2023 không gì khác ngoài “đầu tư công”, đây là một thứ nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận mới chi phối từ việc xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, phân bố, lựa chọn dự án và triển khai thực hiện thì mới có thể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mang lại hiệu quả và tạo động lực đột phát cho nền kinh tế.
Theo ông Cung, cách tiếp cận mới đó là với những dự án quan trọng quốc gia, liên vùng mà có thể gọi là “không thể không làm” như: Dự án Vành đai 3,4 TP Hà Nội, TP HCM, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà – Bà Rịa Vũng Tàu,… thì cần có cơ chế mới, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá.
“Đã là các dự án không thể không làm thì cần cơ chế đột phá và phải tập trung vốn, nguồn lực triển khai thật nhanh, lấy hiệu quả đặt lên hàng đầu. Vì nếu triển khai chậm sẽ càng đội vốn gây lãng phí, kém hiệu quả”, ông Cung lý giải.
Các quy định, thủ tục cuối cùng cũng là để đảm bảo hiệu quả thì nên dùng cách tiếp cận khác, lấy hiệu quả là thước đo, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau.
Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, từ thanh khoản, các tổ chức tín dụng, cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp,… Nếu tháo được “đập nước” đầu tư công, tôi tin rằng “cánh đồng” kinh tế sẽ tươi tốt trở lại, vị chuyên gia này đánh giá.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, chỉ tiêu kiểm soát lạm phát 2023 dưới 4,5% là thách thức rất lớn và cần cân nhắc vì không nên thắt chặt quá mức cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong lúc này. Nếu thặt chặt tiền tệ thì cần nới lỏng chính sách tài khoá, giảm thuế, miễn thuế nhiều hơn nữa so với giá trị Chương trình phục hồi và phát triển mà Quốc hội đã thông qua.
Không giống như năm 2022, lạm phát chủ yếu từ chi phí đẩy, lạm phát 2023 chịu tác động từ cả các yếu tố bên trong như: Lãi suất tăng, tỷ giá tăng gần 10% tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài chắc chắn sẽ cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, chính sách tài khoá là “phao cứu sinh” duy nhất đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023
Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.