|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xe hơi Trung Quốc âm thầm chiếm lĩnh thị trường mà Mỹ không hay biết

10:59 | 26/01/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu xe hơi lớn thứ hai thế giới, vượt qua các ông lớn trong ngành là Đức, Mỹ và Hàn Quốc. Sự tăng tiến của Trung Quốc trong chuỗi giá trị ngành xe hơi có thể khơi mào những căng thẳng mới giữa nước này và các đối tác, đối thủ thương mại.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Khi Andreas Tatt, quản lý tại một công ty kinh doanh thiệp chúc mừng ở Canterburry (Anh), cân nhắc mua xe ô tô mới, anh biết mình sẽ chuyển sang sử dụng xe điện.

Tuy nhiên, khi đắn đo giữa Tesla Model 3 và Porsche Taycan, anh quyết định sẽ mua một mẫu xe ít phổ thông hơn: chiếc Polestar 2 màu vàng chạy bằng pin, do Volvo và công ty mẹ Trung Quốc Zhejiang Geely Holding Group sản xuất.

“Mẫu xe khiến nhiều người chú ý, một phần do màu sắc bắt mắt của nó, một phần do mọi người không biết hãng xe này”, Tatt cho hay. “Ban đầu tôi cũng lo ngại về chất lượng, nhưng khi lái thử xe, mọi nghi ngờ đều bị dập tắt”.

Cột mốc đáng nhớ

Khi các thương hiệu ô tô của Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều khách hàng nước ngoài như Tatt, quốc gia này đã trở thành nhà xuất khẩu xe hơi lớn thứ hai thế giới. Đây là một cột mốc có thể định hình lại ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và châm ngòi cho những căng thẳng mới với các đối tác và đổi thủ thương mại, tờ Bloomberg nhận định.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, các lô hàng ô tô sản xuất tại Trung Quốc đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2020 và đạt hơn 3,11 triệu chiếc vào năm ngoái.

Hiện tại, lượng xe hơi xuất khẩu của Trung Quốc chỉ đứng sau Nhật Bản, trong khi vượt qua Đức, Mỹ và Hàn Quốc. Những số liệu này đang báo trước sự xuất hiện của một đối thủ đáng gờm cho các gã khổng lồ ô tô lâu đời.

Các thương hiệu Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thị trường Trung Đông và Mỹ Latin. Ở châu Âu, xe hơi do Trung Quốc sản xuất chủ yếu là các mẫu xe điện của Tesla và các thương hiệu khu vực hiện thuộc sở hữu của Trung Quốc như Volvo, MG và Dacia.

Mẫu xe điện bán chạy nhất của BMW trên toàn cầu là chiếc iX3 hiện đang được sản xuất độc quyền tại Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang châu Âu.

Một loạt thương hiệu Trung Quốc chính gốc như BYD và Nio cũng đang vươn lên với tham vọng thống trị thị trường xe điện. Nhận được sự hậu thuẫn của Warren Buffett, BYD đã thu hút được khách hàng ở những nước phát triển như Australia.

Ông Xu Haidong, phó kỹ sư trưởng tại Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Ông cho biết mục tiêu của nước này là bán được 8 triệu chiếc xe hơi ra nước ngoài vào năm 2030, cao hơn hai lần so với doanh số hiện tại của Nhật Bản.

Một showroom trưng bày xe của thương hiệu Polestar tại Thuỵ Điển. (Ảnh: Alamy).

Nguy cơ thổi bùng căng thẳng mới

Sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo ô tô toàn cầu còn cho thấy rằng đất nước tỷ dân không còn là “công xưởng” chuyên sản xuất những thiết bị điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng và đồ chơi Giáng sinh giá rẻ.

Bằng cách chuyển mình sang sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn cho những thị trường cạnh tranh và được quản lý chặt chẽ hơn, doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng tiến trong chuỗi giá trị của lĩnh vực chế tạo.

Chỉ số Economic Complexity Index do Đại học Harvard tổng hợp xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 17 trên thế giới, thăng hạng so với vị trí thứ 24 của một thập kỷ trước. Chỉ số này phân tích nhiều loại sản phẩm mà một quốc gia xuất khẩu.

Mỹ hầu như không chú ý đến việc xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc thời gian qua, một phần vì mức gia tăng diễn ra trong thời đại dịch và phần khác vì các nhà sản xuất Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thị trường châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.

 

Thâm nhập vào châu Âu từ lâu đã là mục tiêu của các công ty Trung Quốc. Từ đầu những năm 2000, họ đã bắt đầu trưng bày sản phẩm tại các triển lãm ô tô trên khắp lục địa già.

Một loạt thử nghiệm an toàn thất bại vào khoảng năm 2007 đã dập tắt hy vọng đó của Trung Quốc. Song, nhờ tăng cường tự động hoá và tiêu chuẩn hoá, các nhà máy Trung Quốc hiện có tỷ lệ sử dụng robot cao nhất thế giới, và những lo ngại về an toàn giờ đã trở thành quá khứ, báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ.

Khi chất lượng xe được cải thiện trong thập kỷ qua, ô tô Trung Quốc bắt đầu vượt qua các bài kiểm tra an toàn của châu Âu. Các biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí nghiêm ngặt của Bắc Kinh cũng giúp hầu hết xe hơi của nước này đạt chuẩn khí thải của châu Âu.

Khu trưng bày của BYD tại triển lãm ô tô Brussels năm 2023. (Ảnh: Getty Images).

Tại một triển lãm xe hơi hồi tháng 10 năm ngoái, CEO Ola Kallenius của Mercedes-Benz Group, kêu gọi: “Chúng ta phải quan sát Trung Quốc. Cường độ cạnh tranh đang ngày càng tăng”.

Theo ông Kallenius, đây là giai đoạn thú vị nhất của ngành công ngiệp ô tô kể từ năm 1886, thời điểm mà Carl Benz - cha đẻ của ngành ô tô - tung ra chiếc xe đầu tiên chạy bằng động cơ xăng. Song, ông cũng lưu ý rằng đây còn là “thời điểm khó đoán nhất”.

Ở một sự kiện khác vào tháng 12, CEO của Stellantis là ông Carlos Tavares cho rằng “để chống lại các đối thủ Trung Quốc, lĩnh vực xe hơi châu Âu phải tạo ra hệ thống sản xuất với chi phí tương đương”.

“Hoặc châu Âu sẽ phải quyết định khép một phần cánh cửa đối với các hãng xe Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất xe châu Âu không muốn đặt mình vào thế khó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng cạnh tranh của xe hơi”, ông nói thêm.

Theo Eurostat, xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 156% vào năm 2021, lên 435.000 chiếc.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của các lô xe điện từ Trung Quốc có thể khơi mào những phản ứng chính trị dữ dội tại châu Âu, buộc EU phải dùng đến các biện pháp bảo hộ thương mại, theo Giám đốc Agatha Kratz của Rhodium Group.

Mặt khác, Trung Quốc có xu hướng xuất khẩu những chiếc ô tô tương đối rẻ. Theo dữ liệu năm 2021 do UN Comtrade cung cấp, vào khoảng 13.700 USD, giá trung bình của một chiếc xe hơi do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu chỉ bằng 1/3 so với Đức và rẻ hơn khoảng 30% so với Nhật.

Điều đó đồng nghĩa rằng ô tô Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành mối đe doạ đối với các mẫu xe rẻ hơn của Nhật Bản và Hàn Quốc, thay vì các thương hiệu của Đức, Bloomberg nhận định.

Hiện tại, các nhà chức trách ở Bắc Kinh và những ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc không quá bận tâm đến những nguy cơ từ phương Tây.

Bà Gao Yang, quan chức cấp cao tại Bộ Thương mại, cho biết: “Sức mạnh của ngành công nghiệp ô tô của một quốc gia thường sẽ được thử thách bởi thị trường quốc tế”. Bà nói thêm rằng chính phủ sẽ khuyến khích các nhà sản xuất địa phương thâu tóm các công ty nước ngoài.

BYD, nhà sản xuất xe ô tô điện lớn nhất trong nước, đang có tham vọng trở thành “Toyota của lĩnh vực xe điện”, đặc biệt là ở các dòng xe giá phải chăng. BYD đang đặt cược vào phát triển pin xe điện và chất bán dẫn để đạt được mục tiêu đó.

Ông Alan Visser, quản lý cấp cao tại Lynk & Co., một thương hiệu xe điện thuộc sở hữu của Geely, từng thẳng thắng chia sẻ: “Chúng tôi không che giấu sự thật rằng chúng tôi là doanh nghiệp Trung Quốc và người châu Âu đang dần làm quen với việc các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ có chất lượng tốt”.

Yên Khê