|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Định giá tài sản trí tuệ (Valuation of Intellectual property) là gì? Mục đích của định giá tài sản trí tuệ

14:57 | 16/01/2020
Chia sẻ
Định giá tài sản trí tuệ (tiếng Anh: Valuation of Intellectual property) giúp chủ sở hữu, người quản trị tài sản đó đưa ra quyết định tối ưu, trong đó có các quyết định về phương thức kinh tế hiệu quả nhất để sử dụng, bảo vệ hoặc trao đổi tài sản đó trên thị trường nhằm tối đa hóa giá trị của tài sản.
Định giá tài sản trí tuệ (Valuation of Intellectual property) là gì? Mục đích của định giá tài sản trí tuệ - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: thukyluat.vn)

Định giá tài sản trí tuệ

Khái niệm

Định giá tài sản trí tuệ trong tiếng Anh là Valuation of Intellectual property.

Định giá tài sản trí tuệ được hiểu là việc xác định giá trị của tài sản trí tuệ đó tại một điểm nhất định trong những điều kiện nhất định.

Khái niệm về giá trị của tài sản trí tuệ được xem xét trong khả năng tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai, hoặc tiềm năng thương mại của tài sản trí tuệ đó mang lại, qui về thời điểm hiện tại. Nói cách khác, "giá trị" của tài sản trí tuệ là mục tiêu của việc định giá.

Mục đích của định giá tài sản trí tuệ

Mục đích chủ yếu của việc định giá tài sản trí tuệ là nhằm xác định chính xác, đầy đủ và khách quan giá trị của tài sản đó, từ đó giúp chủ sở hữu, người quản trị tài sản đó đưa ra quyết định tối ưu, trong đó có các quyết định về phương thức kinh tế hiệu quả nhất để sử dụng, bảo vệ hoặc trao đổi tài sản đó trên thị trường nhằm tối đa hóa giá trị của tài sản.

Đối với doanh nghiệp, có rất nhiều lí do để định giá tài sản trí tuệ mang lại lợi ích cho họ:

• Quản lí nội bộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp;

• Chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng: xác định giá trị của hợp đồng chuyển giao;

• Sáp nhập và mua lại: xác định giá trị doanh nghiệp dựa vào tỉ trọng (mức độ đóng góp) của tài sản trí tuệ vào tổng giá thị trường của doanh nghiệp;

• Góp vốn đầu tư, tham gia vào các hợp đồng liên doanh, thiết lập các liên minh chiến lược: xác định chính xác giá trị phần sở hữu (vốn góp) tương ứng của doanh nghiệp trong dự án đầu tư hoặc liên doanh, liên kết kinh doanh;

• Huy động vốn, đầu tư phát triển hơn nữa tài sản trí tuệ;

• Tiết kiệm chi phí: xác định những tài sản trí tuệ có giá trị kinh tế tiềm năng để tiếp tục phát triển, loại bỏ những tài sản không còn giá trị hoặc không mang lại lợi ích lớn hơn chi phí trong hoạt động kinh doanh;

• Cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu: xác định giá trị của doanh nghiệp và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khi tham gia cổ phần hóa hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng;

• Hỗ trợ giải quyết tranh chấp: xác định mức độ, giá trị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ, xác định giá trị hàng xâm phạm, hỗ trợ giải quyết tranh chấp trong trường hợp phá sản, vi phạm hợp đồng, thừa kế,…

• Hưởng thuế ưu đãi từ việc biếu tặng: Việc định giá tài sản trí tuệ được biếu tặng (thường là cho các tổ chức phi lợi nhuận) làm cơ sở để các cơ quan thuế tính toán mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp biếu tặng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Sở hữu trí tuệ, NXB Lao động)

Đức Nhượng