|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sử dụng hợp lí (Fair use) trong sở hữu trí tuệ là gì?

15:57 | 09/12/2019
Chia sẻ
Sử dụng hợp lí (tiếng Anh: Fair use) là trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép.
fair-use-copyright-stamp-rubber-79529498

Hình minh họa (Nguồn: dreamstime)

Sử dụng hợp lí

Khái niệm

Sử dụng hợp lí/ Hành vi sử dụng hạn chế/ Dùng đẹp/ hay Sử dụng đẹp trong tiếng Anh gọi là: Fair use.

Sử dụng hợp lí là các điều luật liên quan đến các điều kiện trong đó mọi người có thể sao chép một cách hợp pháp các phần của sách, phim, ... mà không cần có sự cho phép của cá nhân, tổ chức sản xuất hay sở hữu chúng. (Tài liệu tham khảo: Cambridge Dictionary)

Các thí dụ của trường hợp sử dụng hạn chế là việc sao lại tác phẩm để sử dụng riêng, dùng đầu Video thu lại một bộ phim chiếu trên truyền hình, photocopy một vài chương trong sách tham khảo để học tập, hay hát các bài hát theo đĩa Karaoke. 

Các trường hợp sử dụng hợp lí

(Theo Điều 25 Luật 36/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ)

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lí tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kì, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kì hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mĩ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm theo mục 1 đã nêu trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Các qui định tại điểm a và điểm đ mục 1 đã nêu trên không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính." 

Cần lưu ý là Điều 25 không áp dụng cho tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. Vì thế, hiện nay mọi hành vi sử dụng tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình hay phần mềm máy tính mà không xin phép đều bị coi là hành vi xâm phạm. 

Điều đáng nói là tình trang xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm lại là nghiêm trọng nhất (trên 90% phần mềm sử dụng không trả tiền bản quyền).

(Tài liệu tham khảo: Quyền Sở hữu Trí tuệ, Lê Nết, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Tuyết Nhi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.