Điều tra tai nạn hàng hải (Marine Accident Investigation - MAI) là gì?
Điều tra tai nạn hàng hải (Marine Accident Investigation - MAI)
Điều tra tai nạn hàng hải - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Marine Accident Investigation, viết tắt là MAI.
Điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.
Điều tra tai nạn hàng hải không xác định trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lí của các bên.
Tổ chức điều tra tai nạn hàng hải
1. Thẩm quyền điều tra tai nạn hàng hải:
a) Giám đốc Cảng vụ hàng hải khu vực có trách nhiệm tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và tai nạn hàng hải khác do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam giao;
b) Trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra tại vùng nước cảng biển, tàu biển liên quan đến tai nạn tiếp tục hành trình đến vị trí neo đậu được chỉ định tại vùng nước cảng biển khác, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định giao tổ chức điều tra tai nạn hàng hải đó cho Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi tàu biển neo đậu.
c) Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định giao tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xảy ra ngoài vùng nước cảng biển Việt Nam cho một Cảng vụ hàng hải phù hợp.
2. Khi nhận được thông tin về tai nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển thuộc khu vực quản lí, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải cử người có chuyên môn nghiệp vụ đến ngay hiện trường xảy ra tai nạn hàng hải và lên tàu kiểm tra hiện trường, xem xét các vị trí làm việc và thu thập các vật chứng cần thiết cho công tác điều tra.
Khi tiến hành các công việc này, nhất thiết phải lập biên bản và có sự chứng kiến, xác nhận của người có thẩm quyền trên tàu và tránh ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của tàu. Người được cử đến hiện trường sẽ là thành viên của Tổ điều tra tai nạn hàng hải theo qui định.
3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải tổ chức điều tra tai nạn hàng hải có trách nhiệm ra quyết định thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.
4. Trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn hàng hải theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trước khi chuyển giao, hồ sơ, tài liệu phải được sao y hoặc phô tô để lưu lại phục vụ việc điều tra tai nạn hàng hải; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải được lập thành biên bản bàn giao.
5. Đối với tai nạn hàng hải mà các cơ quan khác có thực hiện điều tra theo thẩm quyền, việc điều tra tai nạn hàng hải vẫn được tiến hành theo qui định.
6. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ về việc điều tra tai nạn hàng hải đối với các tàu nước ngoài theo qui định.
7. Giám đốc Cảng vụ hàng hải được tạm giữ tàu biển không quá 05 ngày làm việc để thu thập các chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Việc tạm giữ quá thời hạn trên sẽ do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. (Theo Thông tư Số: 34/2015/TT-BGTVT)