Đại hội đồng cổ đông (General Meeting of Shareholders) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: ananda)
Đại hội đồng cổ đông
Khái niệm
Đại hội đồng cổ đông trong tiếng Anh gọi là: General Meeting of Shareholders.
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần gồm các cổ đông có quyền biểu quyết. Cổ đông có thể trực tiếp hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham dự Đại hội đồng cổ đông.
Đại hội đồng cổ đông bao gồm Đại hội đồng cổ đông thành lập, Đại hội đồng cổ đông thường niên và Đại hội đồng cổ đông bất thường. Đại hội đồng cổ đông có quyền xem xét và biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng của công ty cổ phần.
Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông
Theo Điều 135, Luật Doanh nghiệp 2014, đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không qui định một tỉ lệ hoặc một giá trị khác;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét và xử lí các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
k) Quyền và nghĩa vụ khác theo qui định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Giải thích thuật ngữ liên quan
Cổ đông là người nắm giữ cổ phần. Cổ phần là căn cứ pháp lí chứng minh tư cách thành viên trong công ty cổ phần bất kể người nắm giữ (cổ đông) có tham gia thành lập công ty hay không.
Từ việc nắm giữ cổ phần phát sinh các quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích khác nhau. Hay nói cách khác, địa vị pháp lí của cổ đông do tính chất cổ phần mà họ nắm giữ quyết định.
(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh doanh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)