Chủ tịch PC1: 'Tiền chúng tôi dư trong ngân hàng, thậm chí rất nhiều ngân hàng cho vay nhưng không có việc để làm'
Đánh giá về những khó khăn của nền kinh tế, Chủ tịch PC1 nhìn nhận việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2024 rất khó. "Thấp quá thì không được mà cao quá thì khó hoàn thành", người đứng đầu tập đoàn trăn trở.
Năm nay, CTCP Tập đoàn PC1 (Mã: PC1) đặt mục tiêu tổng doanh thu cao kỷ lục 10.822 tỷ và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng. Các con số này lần lượt tăng 39% và 73% so với thực hiện năm 2023.
Nói về năm nay, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT cho biết những khó khăn ở năm 2023 sẽ vẫn tiếp diễn ở năm 2024 như vấn đề xung đột chính trị, lạm phát, tỷ giá, El Nino, chi phí tài chính,... "Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của PC1 là chi phí tài chính để đầu tư cho dài hạn. Đây là khoản ảnh hưởng rất lớn đến hai năm trước và kéo dài tới năm nay".
Kinh tế Việt Nam, chúng ta thấy mặc dù nhiều chính sách có cải thiện song vẫn vấp nhiều khó khăn. Việc triển khai sáng kiến các dự đầu tư còn nhiều vướng mắc. Tiền chúng ta dư trong ngân hàng, thậm chí rất nhiều ngân hàng cho vay nhưng không có việc để làm. Thu nhập dân chúng vẫn thấp, cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Vì vậy việc xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm nay PC1 rất khó khăn để xác định. Thấp quá không được mà cao quá thì khó hoàn thành.
"Chúng tôi tự tin lợi nhuận năm nay sẽ đạt kế hoạch và nỗ lực vượt mục tiêu", người đứng đầu PC1 khẳng định.
Trong 2024 dự kiến khởi công hai dự án bất động sản
Khối bất động sản dân dụng dự kiến khởi công hai dự án trong năm nay, lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2024-2030 và lộ trình hoàn thành hồ sơ pháp lý các dự án dở dang, xúc tiến một số dự án mới phù hợp thị trường.
Chia sẻ thêm, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT cho biết tính đến hiện tại thì công ty đang triển khai 5 dự án bất động sản và trong năm 2024 công ty dự kiến khởi công hai dự án gồm Dự án thấp tầng Gia Lâm và một dự án khác thuộc một trong các dự án sau tùy theo tiến độ pháp lý của các dự án (Định Công, Bắc Từ Liêm, Vĩnh Hưng, Gia Lâm).
Bất động sản khu công nghiệp cũng xây dựng chiến lược 2024-2030, thúc đẩy tiến độ pháp lý dự án Nomura 2 để khởi công vào quý III, phát triển khu công nghiệp Nhật Bản Hải Phòng, phát triển các dự án mới.
Nói thêm về việc góp 405 tỷ đồng vào Công ty KCN Quốc tế Hải Phòng đầu tháng 4, vị Chủ tịch cho biếtCông ty KCN Quốc tế Hải Phòng là đơn vị thực hiện dự án Nomura 2 và tỷ lệ sở hữu của PC1 tại công ty này là hơn 99%. Việc góp vốn để đảm bảo chứng minh vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
Thông tin về dự án Nomura 2, Chủ tịch PC1 cho hay dự án này nằm ngay cạnh dự án Nomura 1 và diện tích khoảng 200 ha theo mô hình KCN sinh thái, thông minh. Tiến độ thực hiện dự kiến hoàn thành thủ tục pháp lý vào quý III/2024.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông về kế hoạch Nam tiến ở lĩnh vực bất động sản KCN, người đứng đầu PC1 cho hay: "Việc mua cổ phần tại Công ty kho bãi Phú Bình - công ty địa phương tại khu vực phía Nam là bước đầu của việc triển khai định hướng phát triển bất động sản KCN tại khu vực phía Nam của PC1".
Giai đoạn 2024 - 2025, đẩy mạnh tổng thầu về hạ tầng KCN
Khối tổng thầu EPC sẽ đặt mục tiêu hợp tác làm tổng thầu các dự án điện gió off shore cũng như các hợp đồng mới về cung cấp thiết bị và giải pháp đồng bộ các dự án điện. Khối điện công nghiệp tập trung thực hiện các dự án trọng điểm. Khối khoáng sản tập trung tuyển tinh quặng niken...
Đối với lĩnh vực EPC, chiến lược của tập đoàn là tập trung làm tổng thầu các công trình điện ngoài ngành như điện gió, năng lượng tái tạo khác. PC1 đã làm tông thầu đường đây 500 kV tại Lào và dự kiến sẽ làm thêm nhiều dự án tại Úc, Philipines ... với trình độ ngang quốc tế.
Cập nhật tiến độ thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3, lãnh đạo PC1 cho biết: "Trên cơ sở đánh giá nguồn lực, PC1 thành lập ban chỉ đạo điều hành và đang kiểm soát tiến độ tốt. Tiến độ theo kế hoạch là 30/6/2024 - sẽ không thay đổi nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, tiến độ cung cấp cột và thiết bị, vật tư từ chủ đầu tư và các nhà cung cấp khác".
Nói về định hướng phát triển khối điện công nghiệp, đại diện PC1 thông tin: "PC1 tiếp tục chiến lược khẳng định vị thế số 1 của ngành. PC1 tập trung lựa chọn dự án thuộc lợi thế như đường dây 500 kV, các dự án cáp ngầm, trạm biến áp công nghệ cao... Ngoài đường dây 500 kV, PC1 đang triển khai các dự án trọng điểm như cáp ngầm tại TP HCM, trạm cung cấp điện cho Đà Nẵng, ngoài Bắc là truyền tải công suất để mua điện từ Lào, Trung Quốc,..."
"Với thị trường hạ tầng KCN, đây là chiến lược phát triển dài hạn của PC1. Giai đoạn 2024 - 2025, tập đoàn hướng đến tổng thầu hàng đầu về hạ tầng KCN, tham gia cả các dự án PC1 đầu tư và FDI bên ngoài. PC1 hiện đã chào giá với các chủ đầu tư, mục tiêu sẽ xây dựng trở thành tổng thầu hàng đầu", lãnh đạo PC1 chia sẻ.
El Nino tiếp tục gây khó cho mảng thuỷ điện
Về định hướng mảng năng lượng, ban lãnh đạo PC1 cho biết sẽ đầu tư thêm hai dự án thủy điện Bảo Lạc A và Thượng Hà, phân tích cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo và năng lượng mới trong giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch PC1 cho hay: "PC1 hiện có 10 nhà máy điện gồm thủy điện và điện gió, vận hành liên tục, tạo ra dòng tiền ổn định. Tập đoàn đến nay đã cắt giảm được 3 triệu tấn CO2 và đang liên hiện để bán chứng chỉ carbon từ các nhà máy xanh của mình. Riêng với mảng năng lượng tái tạo, PC1 chưa khuyến khích đầu tư thêm và đang chờ chu kỳ mới để đánh giá hiệu quả và cân nhắc đầu tư".
Đối với dự án thủy điện Bảo Lạc A, vị lãnh đạo này thông tin việc đầu tư dự án khi hoàn thành sẽ hỗ trợ điều tiết nước cho các nhà máy thủy điện bậc dưới của PC1. "Giai đoạn này đầu tư thì chi phí vốn khá thuận lợi. Dự kiến khởi công vào cuối năm nay, phát điện vào quý IV/2026", Chủ tịch HĐQT chia sẻ.
Chia sẻ về mảng này, Chủ tịch HĐQT cho biết: "El Nino được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài từ 2023 tới nửa đầu 2024. Đây là một ảnh hưởng lớn. Chúng tôi cũng xác định sẽ có những năm khó khăn như thế này. Năm 2024, riêng thuỷ điện dự báo giảm lợi nhuận khoảng 250 - 260 tỷ".
Đang chuẩn bị giấy phép khởi công giai đoạn 2 dự án niken
Ông Trịnh Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Khoáng sản Tấn Phát thông tin: "Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, nhà máy niken Tấn Phát bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2023. Sơ bộ năm 2023, sản lượng thương mại khoảng 29.000 tấn, doanh thu khoảng 543 tỷ đồng.
Theo kế hoạch 2024, sản lượng là 50.000 tấn tinh quặng xuất khẩu, doanh thu khoảng 1.000 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận khoảng 20% - khá tương đồng so với công ty chế biến khoáng sản lớn trên thế giới".
Giải trình về lý do biến động giá niken trên thế giới, ông Ngọc Anh cho biết: "Năm 2023, giá đóng cửa khoảng 16.300 USD/tấn niken, giảm mạnh so với 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi thì đây vẫn là một mức giá khá tốt so với thị trường kim loại màu thế giới trước 2022. Có những thời điểm trung bình chu kỳ 5 năm giá chỉ dao động khoảng 14.000 - 16.000 USD.
Theo dự báo của tổ chức thế giới, giá niken năm 2024 có thể tăng đến 17.000 USD/tấn và nhu cầu thị trường thị trường vẫn tiếp tục tăng khoảng 9% so với năm ngoái. Đây cũng không phải là điều quá lo lắng về sự mất cân bằng về cung - cầu của 2023".
"Về phần quản trị rủi ro với các đối tác khách hàng và thương mại, PC1 cũng đã làm việc với các tập đoàn thương mại hàng đầu quốc tế, ký kết hợp đồng với Tập đoàn Trafigura - đơn vị tư nhân lớn thứ hai thế giới về thương mại khoáng sản".
PC1 cũng thực hiện xây dựng các kịch bản phòng ngừa rủi ro về biến động giá. Hiện tại, giá trị thương mại ký kết với Trafigura có thể nói ở mức khá cao, gần như cao nhất so với ngành thương mại khoáng sản.
Về giai đoạn 2, công ty cũng đang tiến hành chuẩn bị giấy phép để chuẩn bị đầu tư và thăm dò mở rộng. Quy trình này sẽ mất khoảng 3 năm để hoàn thành trước khi khởi công xây dựng. Trong giai đoạn này, công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu về công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, không chỉ dừng ở mức tinh quặng niken mà đưa lên nguyên liệu cho ngành pin, phục vụ cho ngành pin xe điện. Đây cũng là sản phẩm rất tiềm năng trong thời gian tới", ông Trịnh Ngọc Anh thông tin thêm.