|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Lizen: 'Từ nay đến 2030 sẽ không thiếu việc, lần đầu tiên thấy tiêu càng nhiều tiền càng được khen'

18:55 | 27/04/2024
Chia sẻ
Ban lãnh đạo Lizen cho biết ngoài việc cạnh tranh được trong đấu thầu các dự án đầu tư công, Công ty sẽ mở rộng trong lĩnh vực PPP và dự án tư nhân có quy mô lớn. Mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm trong lĩnh vực này trên 2.000 tỷ đồng.

Sáng 27/4, CTCP Lizen (Mã: LCG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và các nội dung quan trọng khác.

Ông Cao Ngọc Phương, Tổng Giám đốc, cho biết 2023 là năm khó khăn chung của nền kinh tế, động lực đầu tư công hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm, Lizen tập trung chính cho dự án đầu tư công, không ưu tiên cho dự án dạng PPP. Công ty liên tục trúng thầu hoặc được chỉ định nhiều gói thầu thầu xây dựng thi công như cao tốc Vũng Áng – Bùng, cao tốc Vân Phong – Nha Trang, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, cụm dự án tỉnh Hưng Yên.

 Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Lizen. (Ảnh: X.N).

Kết quả 2023, doanh thu gấp đôi 2022 lên 2.007 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng xây lắp 1.785 tỷ đồng tại dự án Quốc lộ 45 Nghi Sơn, Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Vũng Áng - Bùng... Mảng bất động sản mang về 81 tỷ đồng và các đơn vị thành viên 141 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận ròng giảm phân nửa xuống 103 tỷ đồng.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 20% so với 2023. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 131 tỷ đồng, tăng 30%.

 (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024). 

Năm nay công ty vẫn phát triển 3 lĩnh vực trụ cột gồm hạ tầng giao thông, bất động sản và năng lượng tái tạo với mục tiêu kép vừa tạo ra hiệu quả từ hoạt động đầu tư và tạo ra nguồn công việc liên quan đến hoạt động xây lắp từ các dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành bất động sản khó khăn và năng lượng chờ chính sách, công ty chủ yếu phát triển xây dựng hạ tầng.

Tại mảng năng lượng tái tạo, Lizen dừng đầu tư giai đoạn 2 Điện mặt trời Chư Ngọc 25 MWp, chuyển nguồn vốn đầu tư 125 tỷ đồng sang dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Các dự án điện gió như dự án Lator, Licogi 16 Quảng Trị, Licogi Hướng Hóa 2 cũng xem xét dừng đầu tư, chờ đợi các cơ hội thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Hai dự án điện gió Thăng Hưng và Đình Lập chờ khung giá mua bán điện năng lượng tái tạo phát hành bởi EVN trong khi cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án điện và luật điện lực đang được Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận.

Công việc kế hoạch liên quan bao gồm thành lập công ty dự án và thực hiện góp vốn từ các thành viên trong liên danh, đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2030, chuẩn bị hồ sơ phục vụ công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư và chuẩn bị hồ sơ phục vụ công tác thương thảo giá mua bán điện với các cơ quan có thẩm quyền.

Với mảng bất động sản, công ty cũng trong quá trình làm thủ tục với dự án Long Tân 77 ha, Nhơn Trạch, Đồng Nai; dự án Nam Phương City, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng hoàn tất xây dựng nhà thô đối với khu 13,3 ha và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của khu 3,4 ha; dự án Khu dân cư Hiệp Thành, Quận 12, TP HCM hoàn tất công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ khách hàng, đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật còn lại và hạ tầng xã hội của dự án. Song song đó là làm thủ tục pháp lý đối với một số dự án tại Ninh Thuận, Thanh Hóa, Lâm Đồng.

Ban lãnh đạo cho biết 2024 dự kiến là năm bứt phá thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đọan 2021-2025. Đóng góp doanh thu năm tập trung chính ở các dự án giao thông và xây lắp điện, giá trị 2.274 tỷ đồng, chiếm 95% doanh thu. Doanh thu từ các đơn vị thành viên ước tính 99 tỷ đồng. Doanh thu bất động sản dự kiến không nhiều, ở mức 26 tỷ đồng.

Chiến lược đến năm 2025, hạ tầng giao thông là lĩnh vực trọng tâm xuyên suốt của Lizen. Công cho biết ngoài việc cạnh tranh được trong đấu thầu các dự án đầu tư công, Lizen sẽ mở rộng trong lĩnh vực PPP và dự án tư nhân có quy mô lớn. Mục tiêu doanh thu bình quân hàng năm trong lĩnh vực này trên 2.000 tỷ đồng.

Chia sẻ bên lề đại hội, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi nhiều năm làm mà thấy tiêu càng nhiều tiền (tức Lizen xúc tiến nhanh tiến độ làm dự án - PV), càng được khen”.

Một điểm cũng được cổ đông quan tâm bên lề đại hội liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.540 tỷ đồng. Ông Hùng cho biết Lizen đã lập dự phòng hơn 152 tỷ đồng (số liệu tại BCTC kiểm toán 2023).

“Thực tế công ty đã và đang nỗ lực thu hồi nợ. Trong đó, tín hiệu tốt là một số bên cấn trừ nợ bằng bất động sản. Năm qua, Lizen đã nhận thu hồi bằng dự án ở Quy Nhơn. Chúng tôi chỉ nhận những dự án có giá hợp lý. Đơn cử có một bên xin trả bằng dự án bất động sản nhưng định giá cao gấp 2 lần giá trị hợp lý thì Lizen không đồng ý", ông Hùng nói thêm.

Chủ tịch HĐQT Bùi Dương Hùng chia sẻ bên ngoài đại hội. (Ảnh: X.N).

PHIÊN THẢO LUẬN

Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân doanh thu 2023 không đạt kế hoạch?

Ông Cao Ngọc Phương: Doanh thu 2023 chỉ thực hiện 70% kế hoạch. Doanh thu xây lắp cao tốc chiếm tỷ trọng chính. Đầu tiên là liên quan đến bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư là vấn đề nan giải của tất cả dự án đầu tư công, với Lizen cụ thể là dự án Biên Hòa - Vũng Tàu bàn giao rất chậm. Thứ hai, thủ tục đấu thầu của chủ đầu tư với dự án cũng kéo dài làm kế hoạch ghi nhận doanh thu của công ty không theo đúng tiến độ.

Chia sẻ về định hướng phát triển mảng hạ tầng giao thông?

Ông Bùi Dương Hùng: Lizen tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa tròn 10 năm, dự án đầu tiên là mở rộng Quốc lộ 1A đầu tư chỉ 135 tỷ đồng. Đến nay, Lizen đang điều hành các dự án tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng, trở thành đơn vị lớn trong ngành, trong 6 dự án tham gia thì có 5 dự án trọng điểm quốc gia và 1 dự án trọng điểm của tỉnh.

Trong quá trình tham gia hạ tầng giao thông, HĐQT nhận thức được đây là xu hướng không thể đảo ngược tại một quốc gia đang phát triển. HĐQT xác định tham gia hạ tầng giao thông khó khăn nhưng sản phẩm tạo ra phải hàng đầu. Chính vì vậy, trước đây công ty đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại từ 2015 – 2016, đa số của Đức và Nhật Bản, hiện nay đã khấu hao 60% nhưng giá trị thị trường vẫn còn 80%. Đồng thời, công ty cũng đầu tư cho yếu tố con người, nâng tầm đội ngũ cán bộ.

Trong sự nghiệp làm hạ tầng giao thông của tôi chưa bao giờ có chuyện tiêu được càng nhiều tiền càng được khen như hiện nay. Mặt khác, lãnh đạo Bộ Giao thông và Vận tải cũng từng chia sẻ thời điểm hiện nay cũng là lịch sử của ngành giao thông, trong lúc đấu thầu cạnh tranh nhau nhưng khi khó khăn các đơn vị thầu chung tay giải quyết.

Tại sao doanh thu 2023 gấp đôi 2022 nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ 5%?

Ông Cao Ngọc Phương: Tình hình kinh tế năm qua khó khăn. Mảng bất động sản và năng lượng tái tạo đều khó khăn nên doanh thu Lizen chỉ đến từ mảng xây lắp hạ tầng. Mảng này có biên lợi nhuận thấp, hầu hết các dự án hạ tầng đều chỉ định thầu đối với doanh nghiệp đủ máy móc, con người, và theo quy định bị giảm 5% biên lợi nhuận, chứ không như đấu thầu thông thường.

Ngoài ra, trong giai đoạn thi công hạ tầng thì những vật liệu cơ bản đất, đá, cát thuộc về vật tư địa phương, biến động giá rất lớn, nên công ty phải thực hiện nhiều giải pháp tối ưu chi phí để đảm bảo lợi nhuận.

Để khắc phục vấn đề này, thứ nhất chúng tôi sẽ chủ động xin cấp phép khai thác vật tư tại đại phương, từ đó có giá nguyên liệu tốt nhất. Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm việc với chủ mỏ tại địa phương, các nhà cung cấp lớn để đặt cọc để chủ động chốt giá, để tránh biến động giá.

Ban lãnh đạo đánh giá tính khả thi của kế hoạch doanh thu 2024?

Ông Bùi Dương Hùng: Năm 2023 kế hoạch đưa ra không đạt. HĐQT yêu cầu Ban điều hành đưa ra kế hoạch phải cẩn trọng, tính toán các yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng thực hiện. Năm nay, doanh thu chủ yếu đến từ 4 dự án gồm cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng, Vành đai 4 Hưng Yên, Tân Phúc - Võng Phan và Biên Hòa - Vũng Tàu. Công ty cũng đang đẩy mạnh dự án Chi Lăng – Hữu Nghị và kỳ vọng một dự án khác (hiện chưa chưa đủ điều kiện công bố).

Tình hình đầu tư máy móc thiết bị của Lizen? Công ty có dự định tăng đầu tư máy móc, thiết bị?

Ông Cao Ngọc Phương: Đây là vấn đề cần tính toán rất cẩn thận, tùy thuộc nhu cầu của dự án cụ thể. Nếu tính toán không kỹ có thể dẫn đến cả dây chuyền phải chờ máy. Năm 2023 chúng tôi dùng 60% từ đầu tư và 40% thuê ngoài. Do đó, việc tiếp tục đầu tư là cần thiết.

Tuy nhiên, như ông Hùng đã nói, máy móc thiết bị của công ty chất lượng cao nên khấu hao nhiều năm vẫn còn giá trị, chất lượng tốt, giúp giảm chi phí bảo trì... Bên cạnh việc phát triển các dự án hiện tại, nhu cầu trong tương lai là rất lớn. Ngoài ra, liên quan đến nguyên vật liệu biến động giá khó lường, công ty cũng đón đầu đầu tư các thiết bị liên quan đến cầu.

Năm 2024 dự kiến đầu tư 81 đầu máy móc, thiết bị với giá trị tổng cộng 226 tỷ đồng.

Công ty đã tìm nguồn việc giai đoạn sau 2025 đến 2030?

Ông Bùi Dương Hùng: Từ này đến 2025 khối lượng công việc còn lớn. Thứ hai, chính phủ đang yêu cầu tuyến đường sắt kết nối Hà Nội – Hạ Long, có khi phải khởi công sớm hơn. Với kinh nghiệm của Lizen thì không thể thiếu việc ở đây.

Dự án đầu tư vào cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị, việc Nhà nước tham gia 50% vốn là một lợi thế. Đây là khoản đầu tư trở thành tài sản lâu dài của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số dự án công ty đang nghiên cứu, khi có thông tin cụ thể sẽ thông tin đến cổ đông. Từ nay đến 2030 Lizen sẽ không thiếu việc, thậm chí ngày càng nhiều hơn.

Đại hội tán thành với các tờ trình của công ty. (Ảnh: X.N).

Tại sao giá cổ phiếu công ty không cao như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Thành viên HĐQT: Bản thân ban lãnh đạo cũng muốn cổ phiếu tăng cao nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát, giá cổ phiếu phụ thuộc yếu tố cung cầu thị trường chứng khoán. Ban lãnh đạo chủ yếu tập trung vào hoạt động kinh doanh của công ty. Lizen đã trúng thầu và được chỉ định thầu các công trình tầm cỡ quốc gia. Chúng tôi kỳ vọng từ đó tạo giá trị cho công ty, cho người lao động, xã hội...

Ước tính lợi nhuận quý I?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Doanh thu đạt 310 tỷ và lợi nhuận sau thuế 14,5 tỷ đồng.

Đại hội kết thúc, tất cả tờ trình được thông qua.

Xuân Nghĩa