ĐHĐCĐ Nông nghiệp BAF: Có lợi thế đầu vào từ quý II, lợi nhuận năm có thể cao hơn nếu giá heo duy trì
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 26/4, nhằm thông qua kế hoạch kinhd doanh 2024, bầu bổ sung 2 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và các nội dung quan trọng khác.
Tại đại hội, bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhận định năm 2023, ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn, liên quan đến dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Giá heo hơi đầu ra liên tục dò đáy dưới áp lực heo chạy dịch của chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng các rủi ro heo nhập lậu.
Tính đến tháng 3/2024, tổng đàn của BaF đạt gần 430.000 con, tăng 87% so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng khoảng 1 triệu heo thương phẩm mỗi năm.
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước. Nếu hoàn thành, đây là kết quả cao thứ hai lịch sử hoạt động, sau năm 2021 (LNST 322 tỷ đồng).
PHIÊN THẢO LUẬN
Lợi nhuận quý I/2024 tăng cao, công ty giải trình do đến từ khoản chuyển nhượng bất động sản với giá trị 80 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thuyết minh, khoản thu nhập khác là 55 tỷ đồng, vậy phần còn lại 25 tỷ đồng ở đâu?
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT: Trước đây công ty có mảnh đất ở đường Mai Chí Thọ với mục đích xây tòa nhà văn phòng, vừa để công ty sử dụng, kết hợp với cho thuê. Tuy nhiên, khi ban lãnh đạo lên kế hoạch, thiết kế, xây dựng, lãi suất/chi phí tài chính rất cao. Do đó, BaF quyết định thuê văn phòng hiện nay, có chi phí tài chính thấp hơn.
Mảnh đất trên không sử dụng, trong khi công ty cần huy đồng nhiều nguồn lực để tái đầu tư các trang trại, nên BaF đã quyết định thanh lý. Hiệu quả đem lại khá lớn, khoảng 80 tỷ đồng, một phần nhờ yếu tố tỷ giá tăng.
Giám đốc Tài chính BaF: Với những con heo trị giá hơn 30 triệu đồng được xem là tài sản, dưới 30 triệu đồng coi là công cụ tài sản. Đối với những con heo không đạt là tài sản trong quý I, công ty đã loại thải để thay thế những heo đó. Những con heo không đạt là giá trị 25 tỷ đồng.
Năm 2024 BaF bán có quyết định bán heo giống ra thị trường không và sản lượng dự kiến là bao nhiêu?
Ông Trương Sỹ Bá: Từ tháng 5/2023 công ty có chiến lược dừng bán heo giống ra thị trường, tập trung phát triển đàn heo nội bộ. Nếu dư sản lượng heo giống, công ty sẽ dùng cho liên kết với bà con nông dân. Sau đó chúng tôi sẽ thu mua về.
Thậm chí BaF cũng dừng bán cám ra thị trường nữa. Đây là điều ban lãnh đạo đã cân nhắc kỹ. Trước đây khi bán giống ra thị trường, đa phần các đơn vị mua giống không đến từ bà con nông dân nhỏ lẻ, mà đến từ các công ty cám, họ mua giống với mục đích tiêu thụ cám (bán giống kèm cám).
Ban lãnh đạo chia sẻ về việc liên kết hợp tác với các quỹ trong vấn đề kinh tế xanh?
Ông Trương Sỹ Bá: Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Xu hướng quốc tế đang là phát triển xanh, bền vững, quan tâm đến môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Vì thế, như trong báo cáo ESG, BaF xác định ngay từ đầu chiến lược sản xuất kinh doanh bền vững, vì yếu tố môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, quan tâm đến nước thải...
Đây cũng là tiêu chí của tổ chức quốc tế IFC đầu tư vào BaF, đồng thời là nền tảng để BaF huy động vốn trên thị trường quốc tế. Nhiều quỹ từ Pháp, Singapore, Thái Lan...đang quan tâm. Nhiều deal (thương vụ) trong đó dự kiến thực hiện hóa trong 2024. Đây là nguồn vốn xanh rất tốt, chi phí giá vốn tốt.
Công ty kỳ vọng gì về sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Tân và Prasad Gopalan vào HĐQT?
Ông Trương Sỹ Bá: BaF chào đón 2 thành viên hội đồng quản trị mới, trong đó có 1 đại diện từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Đây là sự khẳng định về đồng hành lâu dài.
Trong đó, ông Prasad Gopalan (quốc tịch Ấn Độ) giàu kinh nghiệm, từng hoạt động tại IFC hơn 30 năm, thành công với nhiều deal đầu tư nông nghiệp trên toàn thế giới. Một trường hợp trong đó là đơn vị đang đứng top đầu tại Trung Quốc cũng như thế giới, lớn lên từ nguồn tài trợ của IFC. Quy mô của các đơn vị đó ban đầu còn nhỏ hơn BaF.
Thành viên thứ hai, ông Nguyễn Thanh Tân cũng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị và chiến lược doanh nghiệp. Kỳ vọng với 2 thành viên này, BaF có làn gió mới để lớn mạnh hơn.
Tháng 10/2023, công ty đã đưa sản phẩm thịt heo vào một số các siêu thị lớn tại miền Bắc. Tại sao công ty làm vậy, khi biên lãi gộp bán tại các siêu thị thường thấp, thậm chí lỗ?
Ông Trương Sỹ Bá: BaF xác định đến 2030, quy mô đàn heo nội bộ là 6 triệu con và liên kết bên ngoài là 4 triệu con. Quy mô liên kết này là khi trường hợp nguồn cung nội bộ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bức tranh thị trường Việt Nam đến 2030, thậm chí có thể sau 2030, người dân đa phần vẫn ra chợ mua thịt heo (thịt nóng). Việc tiêu thụ tại siêu thị (thịt chế biến) vẫn hạn chế. Người dân vẫn chưa có thói quen với thịt chế biến. Do đó, BaF xác định chiến lược chưa tập trung vào thịt chế biến. Tuy nhiên, không thể đợi đến khi thói quen thay đổi mới hành động, công ty vẫn triển khai hài hòa.
Trước mắt, phân khúc đi vào siêu thị chủ yếu mang tính quảng bá hình ảnh, thương hiệu để đón chờ tương lai. Công ty xác định là không lấy lợi nhuận từ đây. Sự chuyển dịch thói quen của người tiêu dùng sẽ diễn ra từ từ. Hơn nữa, khi đã có thương hiệu, công ty còn có thêm sự lựa chọn đưa hàng vào các sạp tại chợ.
Chia sẻ cụ thể hơn về cơ cấu giá thành trên mỗi kg thịt? So sánh với các đơn vị trong ngành?
Ông Trương Sỹ Bá: Giá vốn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm xấp xỉ 70% giá thành heo. Giá vốn của chăn nuôi thường tính giá sản xuất đại trà.
2022-2023 đó là 2 năm có câu chuyện sau dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thứ hai là chiến tranh Nga – Ukraine làm cho ngũ cốc toàn cầu tăng giá đột biến, có mặt hàng tăng 40-50%. Suốt hai năm đó, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi rất cao.
Hai năm trước, thị trường heo rất khó khăn khi tổng cung tăng còn tổng cầu giảm do thu nhập người giảm xuống. Thêm vào đó là yếu tố dịch bệnh. Từng xuất hiện làn sóng bán tháo heo làm nguồn cung dồn dập tăng, dẫn đến giá thị trường thấp. Trong khi đó, nguyên vật liệu đầu vào quá cao làm cho giá thành sản xuất tiến đến 47.000 – 48.000 đồng/kg. BaF được xem là có lợi thế hơn so với nhiều đối thủ bên ngoài, nhờ hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long.
Giai đoạn từ quý IV/2023, giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới đang có xu hướng giảm. Nhưng để đến con heo cần có độ trễ, vận chuyển mất 1-2 tháng, trong khi heo 4-5 tháng đã xuất chuồng rồi, tức kéo dài 6-7 tháng. Do đó, theo tôi, điểm rơi tốt nhất cho BaF là vào quý II/2024, khi đầu vào thức ăn chăn nuôi tiệm cận trở lại so với trước xung đột Nga - Ukraine.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Như vậy, từ quý II, quý III BaF bắt đầu có lợi thế nhờ giá đầu vào giảm, giá heo hơi tăng, và chủ động về giống. Từ đó, kết quả 2024 được kỳ vọng khởi sắc.
Công ty nhận định ra sao về diễn biến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới khi xung đột Israel – Iran nổ ra?
Bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là từ ngũ cốc như bắp, lúa mì, đậu nành. Các nguyên liệu các năm qua chủ yếu nhập từ Mỹ, Brazil, Argentina... tức được vận chuyển theo đường qua Thái Bình Dương, không qua khu vực Biển Đỏ đang có vấn đề xung đột chiến tranh, nên không bị tác động nhiều. Nếu nguyên liệu từ châu Âu mới gặp rủi ro.
Bản thân các nhà cung cấp nguyên liệu họ cũng đã chào giá đến tháng 12/2024. Đồng nghĩa với việc BaF đã tính luôn giá thành nguyên liệu như thế nào. Tổng quan, giá thức ăn chăn nuôi năm 2024 giảm 10-20% so với 2023. Các thành phần vi lượng cũng ít nhập từ châu Âu, đa phần từ Trung Quốc. Một số sản phẩm như cám gạo thì nhập khẩu từ Ấn Độ, cũng không bị ảnh hưởng cung đường vận chuyển, hoặc BaF tận dụng cám mì trong nước.
BaF đã làm gì để giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi?
Bà Bùi Hương Giang: Theo định hướng của Chính phủ, đến 2030, tổng giảm phát thải khí nhà kính của ngành chăn nuôi giảm xuống 30% và đến 2050 phải thực hiện net-zero. Như vậy, trước sau ngành chăn nuôi cũng phải thực hiện.
Do đó, dù chăn nuôi chưa vào danh sách kiểm kê khí nhà kính, BaF cũng đã tiên phong về vấn đề này. Công ty không chỉ hướng đến vấn đề xử lý chất thải, mà đã từ khâu con heo ăn gì, tức là đầu vào. Công ty đã áp dụng cám chay, nguồn gốc thực vật, cũng như bổ sung lợi khuẩn giúp heo tiêu hóa tốt, đồng thời giảm khí thải từ chất thải chăn nuôi. Cùng với đó, BaF đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời, để từ đó tận dụng nguồn năng lượng sạch, đảm bảo mục tiêu, các vấn đề về môi trường.
Công ty đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch 2024 như thế nào?
Ông Trương Sỹ Bá: Chỉ tiêu lợi nhuận 2024 đặt ra dựa trên giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg. Hiện tại giá bán đang 64.000 - 65.000 đồng/kg. Nếu mức giá này duy trì đến hết năm thì lợi nhuận còn cao hơn. Con số đề ra là khả thi nhất để hoàn thành kế hoạch. Kết quả quý I không được như kỳ vọng. Như đã chia sẻ, điểm rơi tốt nhất của công ty sẽ từ quý II trở đi.
Nếu kết quả 2024 đạt lợi nhuận khoản 300 tỷ đồng như kế hoạch, công ty dự định phân phối như thế nào?
Ông Trương Sỹ Bá: Theo tôi, các công ty trên thị trường, trong quá trình đầu tư phát triển thường ít khi chia cổ tức bằng tiền mặt, mà chia cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tái đầu tư. Ví dụ năm nay tình hình giá bán tốt, lợi nhuận đạt 500 – 700 tỷ đồng thì quay lại tập trung dùng vốn để đầu tư mở rộng, đỡ áp lực phải dùng vốn vay ngân hàng, hiệu quả tăng lên.