|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nợ vay của Hoà Phát lên cao kỷ lục

20:38 | 27/04/2024
Chia sẻ
Tổng dư nợ vay cuối kỳ của Hoà Phát là 77.518 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng nguồn vốn và tăng hơn 12.100 tỷ so với đầu năm.

Vì sao hàng tồn khi tăng 24% sau một quý?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, tại ngày 31/3, quy mô tài sản của Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) là 201.940 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm và chiếm 35% là tài sản cố định. 

Hàng tồn kho tại ngày 31/3 của Hòa Phát tăng hơn 8.200 tỷ tức tăng 24% so với cuối năm 2023 lên 42.714 tỷ.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tập đoàn thông tin việc tăng mạnh hàng tồn kho được giải thích bởi hai yếu tố chính bao gồm tồn thành phẩm tăng và phần còn lại đến từ lượng lớn vật tư đã mua sắm để dùng cho hoạt động xây dựng cơ bản của dự án mới đang được phản ánh chung vào khoản mục nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ. 

 Nguồn: Báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh quý I của Hoà Phát.

Về yếu tố thành phẩm, năng lực tiêu thụ của thị trường được phản ánh rõ ở cơ cấu hàng tồn kho của Hòa Phát khi số dư thành phẩm tăng lên đáng kể, khoảng hơn 3.720 tỷ, trong đó có phần khá lớn của thép xây dựng, giải thích cho một nửa mức tăng của tổng giá trị hàng tồn kho. Số ngày tồn thành phẩm nhích lên 42 ngày vào quý này. Tỷ trọng thành phẩm tăng từ 25% lên 29% trong tổng cơ cấu.

Số dư nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ, sau khi loại trừ gần 6.400 tỷ vật tư phục vụ cho hoạt động xây dựng cơ bản của Dự án Khu liên hợp Dung Quất 2 (chiếm tỷ trọng 15% tổng hàng tồn kho tập đoàn), thì phần còn lại, bao gồm nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ phục vụ cho hoạt động của các nhà máy đang được duy trì ở mức ổn định.

Hoà Phát thông tin tuy tổng tồn kho sản xuất tăng lên, nguyên vật liệu vẫn được siết chặt như những quý trước. Số ngày nguyên vật liệu giữ ở mức thấp 62 ngày. Tỷ trọng nhóm tồn kho này trong tổng cơ cấu hạ xuống từ 59% xuống 43%.

Tập đoàn cho biết việc duy trì chính sách thắt chặt mua nguyên vật liệu đã được duy trì nhất quán trong suốt hai năm trở lại đây, trước hết giúp nâng cao khả năng ứng biến của tập đoàn trước biến động về giá nguyên vật liệu, đồng thời làm dịu bớt áp lực vốn lưu động và chi phí vốn vay ngắn hạn.

 Nguồn: Báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh quý I của Hoà Phát.

 Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trần Đình Long cho biết: "Quý I tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là bán hết tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay".

Tức việc giải quyết hàng tồn kho có chi phí cao trong quý đầu tiên để có thể mua thêm nguyên liệu giá rẻ (giá quặng sắt và than cốc đã điều chỉnh 25-30% so với đầu năm), có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong thời gian ngắn và mở rộng biên lợi nhuận của Hoà Phát.

Nợ vay tăng thêm hơn 12.000 tỷ so với đầu năm

Tổng dư nợ vay cuối kỳ của Hoà Phát là 77.518 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng nguồn vốn và tăng hơn 12.100 tỷ so với đầu năm. Theo thống kê thì đây là con số nợ vay cao kỷ lục được ghi nhận cuối quý.

Ông lớn số 1 ngành thép đẩy mạnh vay nợ trong bối cảnh tập đoàn này đang dồn lực cho "quả đấm thép" Dung Quất 2. "Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (600 USD/tấn) thì tập đoàn sẽ có thêm 70.000 tỷ cộng tới doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng", Chủ tịch tập đoàn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Nợ vay của Hoà Phát tăng thêm cả ở nhóm ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, vay dài hạn là 16.080 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh chi tiết.

Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 11/4, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết: "Hết quý I, tập đoàn vay 400 triệu USD bằng USD, đã trích lập dự phòng gần 200 tỷ nên công ty đang áp dụng nhiều biện pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá".

Chia sẻ với cổ đông về vấn đề tỷ giá, người đứng đầu tập đoàn thẳng thắn thừa nhận: "Đây là một bài toán khó với nhiều doanh nghiệp".

Quý I này chứng kiến những diễn biến bất thường khi giá USD tăng lên liên tiếp, đặc biệt vào thời điểm cuối quý và vượt mức kỷ lục đã được ghi nhận vào năm 2022.

Quý I, tập đoàn vẫn ghi nhận khoản lãi thuần 90 tỷ đến từ việc thanh toán các giao dịch có gốc ngoại tệ trong kỳ, được xác định bằng cách bù trừ lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện 322 tỷ trong doanh thu tài chính và lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện 231 tỷ trong chi phí tài chính.

Tuy nhiên, khoản lãi này chỉ bù đắp được một phần lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 184 tỷ phát sinh cuối kỳ do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (nợ vay). Tổng ảnh hưởng đến từ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong quý này của Hòa Phát là lỗ 90 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm, tập đoàn vay thêm tổng cộng hơn 44.100 tỷ, đồng thời trả nợ gốc vay 32.100 tỷ. Chi phí lãi vay quý I là 636 tỷ, giảm 35% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất quý I rơi về vùng thấp nhiều năm.

  Nguồn: Báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh quý I của Hoà Phát.

Bên cạnh việc vay nợ nhiều thì Hoà Phát cũng nắm giữ khoản tiền, tiền gửi ngân hàng lên tới 34.700 tỷ đồng cuối quý I, không biến động nhiều so với đầu năm. Việc nắm giữ khoản tiền gửi lớn đem về cho tập đoàn 423 tỷ lãi tiền gửi.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện

Về tình hình kinh doanh, quý I doanh thu của tập đoàn đã tăng 16% lên 30.852 tỷ so với cùng kỳ, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 7%. Điều này lý giải cho xu hướng biên lợi nhuận dày lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

So với quý IV/2023, tuy doanh thu quý này giảm xuống do ảnh hưởng từ sản lượng thép xây dựng nhưng mức độ giảm của doanh thu và giá vốn hàng bán là khá tương đồng. Quý đầu năm, biên lợi nhuận gộp của tập đoàn tăng từ 13% quý IV/2023 lên 13,4% còn biên lợi nhuận thuần tăng từ 8,6% lên 9,2%.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tập đoàn cho biết giá thép xây dựng thị trường Việt Nam đã tăng từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 1/2024 và bắt đầu có một vài nhịp điều chỉnh giảm vào cuối quý. Giá thép cuộn cán nóng đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm đầu năm, cùng với sự ổn định trong sản lượng tiêu thụ của sản phẩm này là động lực tăng trưởng doanh thu của tập đoàn trong quý này, bù đắp một phần cho sụt giảm về doanh thu của sản phẩm thép xây dựng.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu không có quá nhiều biến động lớn trong kỳ. Việc vận hành đầy đủ lò cao trong quý này cũng giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí khấu hao trong giá thành đơn vị của sản phẩm so với thời điểm trước.

Báo cáo của tập đoàn cũng nêu rõ từ quý IV/2023, khu liên hợp Dung Quất của Hòa Phát đã đạt được năng lực tự chủ hoàn toàn về điện, hạ đáng kể chi phí năng lượng trong giá thành của các loại sản phẩm thép được sản xuất ra. 

Kết quả, Hoà Phát ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 2.871 tỷ quý đầu năm, gấp 7,2 lần cùng kỳ năm 2023.

Hoàng Kiều