Đa dạng sinh học (Biodiversity) là gì? Đa dạng sinh học trong đô thị
Đa dạng sinh học (Biodiversity) (Nguồn: Redsvn)
Đa dạng sinh học (Biodiversity)
Đa dạng sinh học - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Biodiversity.
Đa dạng sinh học là sự phong phú của các loài và sự biến đổi di truyền của mọi sinh vật, cũng như sự nhiều đa dạng của các cấp độ tổ chức sinh giới, đặc biệt là các dạng hệ sinh thái ở nhiều môi trường trên Trái đất.
Đa dạng sinh học trong đô thị là vấn đề cực kì quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, cảnh quan mà còn là thước đo về sinh thái đô thị. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)
Đa dạng sinh học trong đô thị
Các nhà qui hoạch xây dựng đô thị thường xem các không gian trống, không gian cây xanh là không gian sử dụng của con người đô thị cho mục đích nghỉ ngơi, hoạt động thể thao, và một vài mục đích khác. Với ý nghĩa như vậy, hệ thống cây xanh, vườn hoa được xem như một dạng "thiết bị" được con người sử dụng.
Các nhà sinh thái đô thị lại không quan niệm như vậy, mà coi đây là một phần quan trọng và duy nhất của hệ thống tự nhiên còn tồn tại dưới dạng bảo tồn trong khu vực đô thị, bởi vì tất cả những thành phần tự nhiên khác đã bị biến dạng hoặc biến dạng hoàn toàn.
Với quan niệm này nó chỉ ra cái ranh giới giữa hoạt động đô thị và bảo tồn, giữa cái thực thể tự nhiên cần thiết tồn tại trong sự nhân tạo hóa ngày càng cao của đô thị. Nghiên cứu sự phát triển của hệ thống tự nhiên trong điều kiện nhân tạo hóa của đô thị nhằm chỉ ra những lợi ích của nó chính là lĩnh vực nghiên cứu của sinh thái đô thị theo quan điểm khoa học tự nhiên.
Hình thái cơ bản của đô thị là các công trình xây dựng, nó không chỉ ảnh hưởng tới địa hình đô thị mà còn có ảnh hưởng về khía cạnh sinh thái. Đối với nhiều động vật sống trong các đảo sinh thái đô thị, thì mặt ngoài của các tòa nhà giống với bề mặt của đá trong tự nhiên. Về mặt này các ảnh hưởng của vi khí hậu ngoài nhà có tầm quan trọng sinh thái, mức độ tùy thuộc kiến trúc và vật liệu các bức tường.
Đa dạng loài và sự hợp thành các hệ động thực vật đô thị là vấn đề phải quan tâm trong quá trình thiết kế đô thị nói chung và thiết kế cảnh quan đô thị nói riêng, bởi vì không gian các đô thị là do các nhà qui hoạch tạo dựng nên.
Việc sử dụng các sinh vật chỉ thị môi trường đô thị cũng là hướng ứng dụng sinh thái thường gặp. Mối quan hệ khăng khít giữa các loài nhất định với môi trường đô thị tạo điều kiện cho việc sử dụng các sinh vật chỉ thị.
Sinh thái đô thị bắt đầu phát triển từ cấp độ sinh thái cảnh quan với các nghiên cứu sâu về các khu dân cư, tới cấp độ sinh cảnh được xem như một lĩnh vực mới của phát triển đô thị bền vững, song cũng đầy thách thức. (Theo Môi trường trong qui hoạch xây dựng, NXB Xây dựng)