Công ty sản xuất giày công nghệ 4.0 nhận 4 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam
Nữ sinh bán chè bưởi tìm 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam | |
Shark Tank Việt Nam: Lời gọi vốn bất thành của kỹ sư ‘Lưu Bị tìm quân sư’ | |
Hai 'cá mập' tranh nhau rót vốn cho quán cà phê dạy tiếng Anh |
Ứng dụng công nghệ vào thời trang
Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học của Đại học Bách Khoa và lấy bằng MBA ở nước ngoài, vì đam mê công nghệ và thời trang, Lê Thanh đã nghiên cứu, ra mắt ứng dụng Scan Fit dành cho người thích mua giày chuẩn kích cỡ, đẹp nhưng không có thời gian tới cửa hàng. Xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8, Thanh muốn huy động 4 tỷ đồng để lấy 20% cổ phần thương hiệu ShoeX do anh sáng lập.
Lê Thanh - người sáng lập thương hiệu giày thủ công ứng dụng công nghệ 4.0 ShoeX - trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 29/8. |
Giữa làn sóng trào lưu cá nhân hóa, ShoeX tạo ra điểm khác biệt với ứng dụng Scan Fit. Khách hàng chỉ cần scan (chụp) chân bằng điện thoại, chọn mẫu và nhận đôi giày của riêng họ sau một tuần. Bên cạnh đó, công ty cung cấp mẫu giày đóng sẵn, đặc biệt giao hàng trong một tiếng.
Thanh cho biết, ứng dụng sử dụng 2 thuật toán chủ đạo. Công nghệ chuyển đổi từ 3 ảnh thành một hình 3D do ShoeX hợp tác với trường đại học ở Tây Ban Nha thực hiện. Thuật toán phán đoán kích cỡ giày do công ty tự lập trình.
Giảm tỷ lệ đổi, trả giày mua trực tuyến
Một đôi giày ShoeX theo mẫu thiết kế riêng có giá 11,5 triệu đồng, độ bền dao động 5 - 10 năm. Nhưng nhà sáng lập dự kiến sẽ tập trung phân khúc giày với giá thành 2 – 3 triệu, độ bền tầm 3 năm để khách hàng dễ dàng thay đổi mẫu mã mới.
Năm 2017, ShoeX bán 500 đôi. Thậm chí một khách hàng mua 60 đôi bởi bàn chân của người này đặc biệt nên cần nhờ tới công ty. 20% số giày tới tay khách hàng qua kênh bán trực tuyến, còn lượng giày khách hàng mua ở cửa hàng chiếm 80%. Do sản phẩm có độ bền cao nên chỉ 30% khách hàng quay lại để mua mẫu hàng mới.
Dòng tiền của ShoeX từ khi thành lập đến nay luôn dương. Doanh thu năm 2016 là 4 tỷ đồng, năm 2017 đạt 4,3 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khoảng 900 triệu đồng.
“Vua chảo” Nguyễn Xuân Phú lập tức đánh giá mức độ tăng trưởng của ShoeX quá thấp. Thanh nói rằng, công ty mới bắt đầu test (kiểm tra) ứng dụng vào tháng 8 năm ngoái nên doanh thu chưa cao.
“ShoeX là công ty bán giày trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó, em muốn dùng chính công nghệ Scan Fit lan tỏa, giúp những người làm giày trong và ngoài nước có thể đóng giày trực tuyến”, Thanh chia sẻ.
Hầu hết công ty bán giày trực tuyến lớn trên thế giới có tỷ lệ đổi trả khoảng 30%/năm. Ngược lại, công nghệ Scan Fit khiến khách hàng tự tin mua sản phẩm mà không lo đổi hay trả. Ngoài ra, trong tương lai, công ty sẽ tiêu chuẩn hóa đóng giày, đưa ra nhiều mẫu mã theo nhiều hình dáng bàn chân khác nhau.
Sản phẩm giày thương hiệu ShoeX. |
Ba nhà đầu tư đề nghị rót vốn
Nhận định ShoeX tăng trưởng quá chậm, ông Phú nhanh chóng rút lui khỏi thương vụ. Nhà đầu tư Dzung Nguyễn cũng “lắc đầu” vì cho rằng doanh thu 4 tỷ đồng là rất nhỏ với một công ty giày.
Có chung sở thích về giày với nhà sáng lập, ông Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 4 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Sau khi phân vân do không am hiểu thời trang nam nhưng thích thú mô hình kinh doanh ShoeX, nữ doanh nhân Thái Vân Linh quyết định góp vốn cùng ông Hưng cho 4 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần.
‘Shark’ Nguyễn Ngọc Thủy cũng không bỏ qua ShoeX. Ông đưa ra con số 5 tỷ đồng cho 40% cổ phần. “Gói vốn của anh Hưng có vẻ hấp dẫn hơn”, Thanh nói. Anh gợi ý hai nhà đầu tư Hưng, Linh giảm tỷ lệ cổ phần xuống còn 25%.
Phó chủ tịch tập đoàn CEN không chấp nhận bởi ông muốn có tỷ lệ cổ phần đủ quyền phủ quyết, tham gia định hướng chiến lược kinh doanh của công ty. CEO ShoeX đề xuất thêm rằng anh sẽ mua lại cổ phần của nhà đầu tư trong ba năm với mức giá gấp đôi.
Ông Hưng khẳng định ông là nhà đầu tư thiên thần, có thể chấp nhận rủi ro nên không muốn nhà sáng lập đưa ra mức giá mua lại. Cuối cùng, Lê Thanh đồng ý gói vốn của hai “cá mập” Hưng và Linh.
Xem thêm |