Công ty đa ngành (Diversified Company) là gì? Công ty đa ngành hoạt động như thế nào?
Công ty đa ngành
Khái niệm
Công ty đa ngành trong tiếng Anh là Diversified Company.
Công ty đa ngành là một công ty kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác nhau. Đó là những lĩnh vực:
- Yêu cầu chuyên môn quản lí cao
- Có người tiêu dùng đa dạng
- Sản xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau
Một trong những lợi thế của công ty đa ngành là nó giúp giảm tác động từ những biến động bất thường trong bất kì một ngành nào. Tuy nhiên, mô hình này cũng khiến cho các cổ đông ít nhận ra các khoản lãi hoặc lỗ đáng kể vì nó không tập trung vào một doanh nghiệp.
Công ty đa ngành hoạt động như thế nào?
Các công ty có thể trở nên đa ngành bằng cách tự mình tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới hay sáp nhập, mua lại một công ty hoạt động trong lĩnh vực hoặc dịch vụ khác. Một trong những thách thức mà các công ty đa ngành phải đối mặt là cần duy trì sự tập trung chiến lược mạnh mẽ để tạo ra lợi nhuận tài chính vững chắc cho các cổ đông thay vì làm giảm giá trị doanh nghiệp thông qua việc mua lại hoặc mở rộng.
Các tập đoàn
Một hình thức phổ biến của một công ty đa ngành là tập đoàn. Các tập đoàn là các công ty lớn được tạo thành từ các công ty độc lập hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp. Nhiều tập đoàn là các công ty đa quốc gia và đa ngành.
Mỗi một nhánh kinh doanh trong một tập đoàn hoạt động độc lập với các bộ phận kinh doanh khác, nhưng hoạt động của các công ty con sẽ đều được báo cáo cho quản lí cấp cao của công ty mẹ.
Tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau giúp công ty mẹ của một tập đoàn giảm bớt rủi ro khi ở trong một thị trường duy nhất. Đồng thời cũng giúp công ty mẹ giảm chi phí và sử dụng ít tài nguyên hơn. Nhưng sẽ có những thời điểm một công ty phát triển quá lớn khiến nó mất hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, tập đoàn có thể thoái vốn.
Công ty đa ngành trong thực tế
Một số công ty đa ngành nổi tiếng nhất trong lịch sử là General Electric, 3M, Sara Lee và Motorola. Các công ty đa ngành lớn ở châu Âu bao gồm Siemens và Bayer. Đại diện ở châu Á bao gồm Hitachi, Toshiba và Sanyo Electric.
Ý tưởng chung đằng sau "đa dạng hóa" là sự phân chia các rủi ro tài chính, hoạt động hoặc rủi ro địa lí. Thị trường tài chính thường tập trung vào hai nguồn rủi ro: rủi ro đặc thù của doanh nghiệp và rủi ro thị trường, hệ thống. Theo lí thuyết thị trường vốn, chỉ có rủi ro thị trường là hợp lí, bởi vì một nhà đầu tư bình thường luôn có cơ hội đa dạng hóa, do đó có thể loại bỏ rủi ro đặc thù.
(Theo Investopedia)