Công trình tạm (Makeshift Works) là gì? Qui định về xây dựng công trình tạm
Công trình tạm (Makeshift Works) (Nguồn: Báo Xây dựng)
Công trình tạm (Makeshift Works)
Công trình tạm/công trình xây dựng tạm - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Makeshift Works.
Công trình tạm là công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính. (Theo Luật Xây dựng năm 2014)
Công trình tạm bao gồm:
a) Công trình tạm phục vụ thi công công trình chính là công trình của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trên mặt bằng công trường xây dựng, gồm: nhà văn phòng làm việc, nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại công trường, kho tàng, nhà sản xuất tại chỗ phục vụ thi công xây dựng, các công trình dẫn dòng thi công, đường thi công, công trình hạ tầng kĩ thuật và các công trình dịch vụ khác phục vụ hoạt động của công trường xây dựng;
b) Công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm trong khu vực đã có qui hoạch chi tiết xây dựng được duyệt nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng.
Qui định pháp luật về công trình tạm
Công trình tạm của chủ đầu tư
1. Công trình tạm của chủ đầu tư phải được xác định trong dự án đầu tư xây dựng công trình và phải lập thiết kế cơ sở theo qui định.
2. Chi phí xây dựng và dỡ bỏ (nếu có) công trình tạm được tính vào chi phí trong tổng mức đầu tư của dự án theo qui định.
Công trình tạm của nhà thầu
1. Công trình tạm của nhà thầu do nhà thầu xác định theo giải pháp tổ chức và thực hiện thi công của mình trên công trường, phù hợp với sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng hoặc yêu cầu phục vụ xây dựng theo tuyến.
2. Tuỳ theo thời hạn sử dụng, nhà thầu quyết định việc lựa chọn qui mô công trình cho phù hợp. Việc thiết kế được thực hiện một bước là thiết kế bản vẽ thi công.
3. Chi phí xây dựng và dỡ bỏ (nếu có) công trình tạm được tính trong giá gói thầu xây dựng công trình chính.
Yêu cầu đối với việc xây dựng công trình tạm
1. Công trình xây dựng tạm chỉ được tồn tại có thời hạn theo thời hạn được ghi trong giấy phép xây dựng tạm. Khi hết thời hạn được tồn tại, chủ công trình phải tự dỡ bỏ. Trường hợp không tự giác dỡ bỏ, các cơ quan chức năng được phép cưỡng chế dỡ bỏ; chủ công trình phải chịu mọi chi phí cho việc thi hành cưỡng chế phá dỡ công trình.
2. Tuỳ thuộc vào thời hạn được phép tồn tại của công trình, chủ đầu tư xác định qui mô xây dựng công trình cho phù hợp.
3. Đối với công trình xây dựng không phải là nhà ở riêng lẻ thì không yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật để thẩm định và phê duyệt theo qui định. (Theo Nghị định Số: 71/2005/NĐ-CP)