|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công thức chung của các nền kinh tế lớn sắp gỡ bỏ phong tỏa: Vắc xin và rất nhiều vắc xin

08:02 | 15/07/2021
Chia sẻ
Trong khi các quốc gia ở châu Á - Thái Binh Dương đang phải "gồng mình" chống dịch COVID-19 thì một số quốc gia như Mỹ, Anh và Singapore lại đang đặt ra lộ trình cho cuộc sống "bình thường mới".

Thành tích tiêm chủng ấn tượng

Một điểm chung giữa các quốc gia đang thực hiện gỡ bỏ phong tỏa, tiến tới "sống chung với COVID-19" đó chính là thành tích tiêm chủng ấn tượng. Hầu hết các quốc gia châu Âu và châu Mỹ có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore được dự báo sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở trong khu khu vực cũng như châu Á đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 1.

Độ bao phủ vắc xin tại Anh tính tới ngày 13/7 đạt 60,6%. (Nguồn: Bloomberg).

Theo Wall Street Journal, tỷ lệ tiêm chủng tại Anh đạt mức rất cao, 86% người trưởng thành tại quốc gia này đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và gần 65% người đã tiêm đủ hai liều. Với tỷ lệ này, các nhà chức trách nước Anh tin rằng tỷ lệ lây nhiễm có thể duy trì ở mức an toàn đối với những người chưa được tiêm chủng, chủ yếu là nhóm người trẻ tuổi, đồng thời tỷ lệ nhập viện và tử vong sẽ tăng chậm hơn nhiều.

Theo số liệu từ Bloomberg, Mỹ cũng là quốc gia đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao với 52,3%. Trong đó có hơn 48% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Bang Vermont là được tiêm chủng nhiều nhất của Mỹ, với 66% dân số được tiêm chủng đầy đủ chỉ ghi nhận 4 trường hợp nhiễm COVID-19 trên 100.000 trong tuần qua. Đồng thời, tại bang Arkansas, nơi 35% dân số được tiêm chủng đầy đủ, chỉ ghi nhận 13 trường hợp trên 100.000 người, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 2.

Độ bao phủ vắc xin tại Mỹ tính tới ngày 13/7 đạt 52,3%. (Nguồn: Bloomberg).

Mặc dù bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tương đối chậm thế nhưng tỷ lệ tiêm chủng tại Canada cũng đã tăng lên nhanh chóng. Tính đến ngày 4/7, Canada đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho khoảng 69% dân số, trong đó 36% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 10/7, khoảng 69% trong số 5,7 triệu cư dân Singapore đã nhận được ít nhất một mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19, cao hơn gấp đôi so với con số hai tháng trước đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số đã được tiêm đủ hai mũi đã đạt 40%.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 3.

Singapore đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin. (Nguồn: Bloomberg).

Chính phủ nước này hiện cũng đang hướng đến mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho một nửa trong số 5,7 triệu người vào cuối tháng 7 và 2/3 dân số vào ngày 9/8. Những cột mốc quan trọng này sẽ mở ra các chính sách mới, cho phép nhiều hoạt động xã hội và kinh tế hơn được diễn ra.

Dần tiến tới trạng thái "bình thường mới"

Trái với cách làm trước đây, khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng thì các biện pháp phòng dịch được siết chặt, vào hôm 12/7 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố gần như mọi hạn chế sẽ được gỡ bỏ vào ngày 19/7, ngay cả khi số ca nhiễm tại nước này đang ở mức cao và tăng nhanh mỗi tuần.

Các quy định bắt buộc như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hay hạn chế số lượng khán giả tham gia sự kiện trực tiếp dự kiến sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, các yêu cầu tự cách ly sau khi kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn sẽ được duy trì.

"Chúng tôi sẽ loại bỏ các quyết định pháp lý, cho phép người dân tự đưa ra quyết định của riêng họ", Wall Street Journal dẫn lời Thủ tướng Johnson.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 4.

Dự kiến nước Anh sẽ mở cửa đất nước vào ngày 19/7 tới đây. (Ảnh: Reuters).

Trước đó, ngay từ khi bùng phát dịch, nước Anh đã áp dụng biện pháp điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp bệnh nhẹ hoặc không xuất hiện triệu chứng. Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cũng đã cung cấp đường dây nóng để người bệnh có thể được hỗ trợ. Ngoài ra, NHS cũng thành lập mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà các công việc như đi chợ hay mua thuốc...

Cũng giống như Anh, ngay từ đầu dịch, CDC Mỹ đã khuyến cáo đa số bệnh nhân mắc COVID-19 không cần nhập viện điều trị mà chỉ cần theo dõi tại nhà, uống nhiều nước và giữ liên hệ với bác sĩ. Trong trường hợp bệnh tình trở nặng, chẳng hạn như khó thở, người bệnh sẽ gọi tới 911 để được điều trị kịp thời.

Các nhà hoạch định chính sách liên bang của Mỹ chủ yếu tập trung vào việc đưa ra hướng dẫn phòng dịch thay vì áp đặt các quy định bắt buộc. Hầu hết các bang tại Mỹ đã gỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế, trừ những quy định trong bệnh viện và phương tiện giao thông công cộng. Để tránh những tác động lớn với nền kinh tế, các địa phương tại Mỹ dù không yêu cầu nhưng vẫn khuyến khích người dân đi tiêm.

Tại bang California, những người trên 20 tuổi chưa được tiêm vắc xin sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng trong nhà và các cơ sở kinh doanh. Những người tham gia các sự kiện lớn đều phải có giấy xác nhận đã tiêm vắc xin hoặc có kết quả âm tính. Trong khi đó, tại bang Mississipi, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Mỹ, lại không có quy định hạn chế nào.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 5.

Mỹ cũng đã có những động thái để đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường. (Ảnh: Reuters).

Vào hôm 9/6, CDC Mỹ cũng đã kêu gọi các trường học mở cửa vào mùa thu này, trong khi vẫn duy trì một số biện pháp phòng ngừa. Đây là một bước tiến để có thể đưa cuộc sống của nhiều trẻ em đến gần hơn đến trạng thái bình thường.

Trong khi các nền kinh tế châu Á khác vẫn còn trước mắt một chặng đường dài để có thể đạt được mục tiêm miễn dịch cộng đồng thì Singapore lại đang lên kế hoạch và vạch ra lộ trình "sống chung với COVID-19".

Trong mục tiêu "sống chung với COVID-19", Singapore sẽ dần gỡ bỏ những quy định an toàn. Những người nhiễm bệnh sẽ được phép điều trị tai nhà và mọi người có thể tự xét nghiệm COVID-19 bằng cách sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh, theo tin từ Nikkei Asia.

Đồng thời, các hoạt động kiểm dịch và truy vết quy mô lớn sẽ được thu hẹp. Thay vì ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày thì "quốc đảo sư tử" sẽ ghi nhận số liệu về các trường hợp chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở.

Những lo ngại trên con đường tiến tới trạng thái "bình thường mới"

Những quyết định về việc "mở toang" đất nước của Chính phủ Anh đã vấp phải sự phản đối của hơn 120 học giả, họ cho rằng bước đi này là "nguy hiểm và vội vàng". Thế nhưng, Thủ tướng Johnson cho rằng, người dân nên học cách sống chung với COVID-19, như với bệnh cúm mùa.

Trong khi đó tại Singapore, việc mở cửa lại đất nước trở nên khó khăn hơn khi bối cảnh dịch bệnh ở các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan và Malaysia diễn ra phức tạp. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ở người cao tuổi tương đối thấp, mặc dù bộ phận này nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin.

Các quốc gia trên thế giới đang sẵn sàng 'sống chung với COVID-19' ra sao? - Ảnh 6.

Biến chủng Delta khiến nhiều quốc gia trên thế giới e ngại việc mở cửa đất nước. (Ảnh: The Jarkata Post).

Chính phủ nước này hiện đang đặt mục tiêu 2/3 dân số tiêm đủ hai liều vắc xin vào đầu tháng tới, trước ngày quốc khánh 9/8 của Singapore.Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu chủng vắc xin "đầy tham vọng" này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nguồn cung cấp vắc xin, tỷ lệ người tham gia tiêm chủng và khoảng thời gian giữa liều đầu tiên và liều thứ hai, Strait Times nhận định.

Hay tại Israel, nơi hơn 62% dân số đã được tiêm chủng COVID-19 đầu đủ, đã nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp hạn chế ngay sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Quốc gia này từng gỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp hạn chế vào hồi tháng 6, tuy nhiên trước đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải nhanh chóng khôi phục quy định đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín.

Hiện Israel vẫn đang tích cực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sau cuộc họp giữa các bộ trưởng với giới chức y tế hôm 7/7, Chính phủ nước này cho biết quyết định của họ sẽ dựa theo số lượng các trường hợp nghiêm trọng.

Theo ông Martin McKee, giáo sư về y tế cộng đồng châu Âu tại Trường Vệ sinh và Y tế nhiệt đới London của Anh, một trong những người ký vào thư phản đối kế hoạch tái mở cửa của Chính phủ Anh, cảnh báo COVID-19 "không giống bệnh cúm, mà nghiêm trọng hơn rất nhiều".

Tuy nhiên, Edward Stenehjem, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bang Utah ở Mỹ, cho rằng mọi người rồi "sẽ phải học cách chung sống với COVID-19".

Mặc dù còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề mở cửa đất nước hay không, thực tế chỉ ra rằng, các biện pháp hạn chế phong tỏa thôi là chưa đủ. Trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn kéo dài và chưa thấy hồi kết thì vắc xin chính là "phao cứu sinh" bảo vệ con người và giúp thế giới thoát khỏi đại dịch.

Phương Trang