Trung Quốc từng làm gì để hàng chục triệu dân trong vùng phong tỏa vẫn có đủ hàng hóa?
Khi dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ tại Trung Quốc vào thời điểm những tháng đầu năm 2020, quốc gia này đã tiến hành áp dụng các biện pháp phong tỏa các thành phố lớn, hạn chế nghiêm ngặt việc ra vào các khu vực bị cách ly.
Đặc biệt là tại Vũ Hán, mọi cửa ngõ ra vào thành phố đều bị đóng chặt. Một trong những mối lo ngại hàng đầu của các quan chức chính phủ cũng như người dân là khả năng tiếp cận thực phẩm trong khi bị phong tỏa.
Để có đủ lương thực cho 11 triệu người dân Vũ Hán cũng như hàng chục triệu dân tại các thành phố khác của Trung Quốc đang sống dưới lệnh phong tỏa là một bài toán khó mà các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện thành công.
Theo CNA, mặc dù một số thông tin về tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ lương thực, giá thực phẩm tăng vọt hay lo ngại về độ tươi của thực phẩm xuất hiện trên mạng xã hội, song nhìn chung nguồn cung và giá cả lương thực tại các thành phố bị phong tỏa vẫn ổn định.
Hình thức bán thực phẩm đa dạng
Một trong những yếu tố quan trọng để duy trì an ninh lương thực chính là hình thức bán thực phẩm đa dạng ở các thành phố Trung Quốc. Dịch bệnh đã tạo ra một cú hích bất ngờ cho các thị trường thực phẩm trực tuyến do khu vực tư nhân vận hành, hay còn được gọi là "doanh nghiệp bán lẻ mới" ở Trung Quốc.
Trong khi hàng triệu người bị mắc kẹt ở nhà, các khu chợ truyền thống bị đóng cửa, chợ thực phẩm trực tuyến đã trở thành hình thức bán lẻ phổ biến. Ở các thành phố nơi hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, các cửa hàng và nhà hàng bán thực phẩm nhanh chóng chuyển từ hình thức bán trực tiếp sang trực tuyến.
Ước tính lượng người dưới 25 tuổi ở Trung Quốc mua sản phẩm tươi sống từ các chợ trực tuyến tăng hơn 250%, trong khi lượng khách quen trên 55 tuổi tăng gần 400%. Một số chợ thực phẩm trực tuyến nổi tiếng nhất có doanh số tăng 470% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng triệu đơn đặt hàng thực phẩm trực tuyến được đặt mỗi ngày và được giao đến tận cửa nhà hoặc đến điểm tập kết cạnh các khu nhà để người dân có thể dễ dàng ra nhận hàng mà không lo về vấn đề tiếp xúc, hay còn gọi là "giao hàng không tiếp xúc".
Chương trình giỏ thực phẩm
Sự thành công của chợ thực phẩm trực tuyến ở Trung Quốc phần lớn nhờ vào chính sách an ninh lương thực có tên gọi là "chương trình giỏ thực phẩm".
Chính sách này được đề xuất vào năm 1988, đây là chương trình yêu cầu các thị trưởng thành phố chịu trách nhiệm cung cấp, đảm bảo mức giá phải chăng và độ an toàn của các loại thực phẩm, chủ yếu là rau, thịt.
Vũ Hán, tâm chấn COVID-19 ở Trung Quốc vào đầu năm 2020, nằm trong số 35 thành phố lớn được chính quyền trung ương đánh giá trực tiếp hai năm một lần về hiệu quả thực hiện chương trình.
Các thành phố sẽ được đánh giá cao nếu có những cải tiến về cơ sở vật chất giao hàng trong khu dân cư như tủ có mật mã để giao hàng và lấy thực phẩm, cũng như đảm bảo có nhiều điểm tiêu thụ thực phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhỏ và quan trọng nhất là chợ đồ tươi sống.
Việc đánh giá nghiêm ngặt đảm bảo sự đa dạng và mạng lưới cung ứng rộng rãi của các nguồn thực phẩm tươi sống như rau, thịt ở mọi khu vực. Khi dịch COVID-19 xảy ra, các thành phố được chấm điểm cao đã có thể nhanh chóng thích ứng và đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.
Chính quyền địa phương đặt ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ tự cung tự cấp các loại thực phẩm khác nhau để thể hiện cam kết đối với chương trình giỏ rau. Điển hình như TP Nam Kinh, với dân số 8 triệu người, đặt mục tiêu tự cung tự cấp 90% rau xanh trong giai đoạn 2008-2012.
Các mục tiêu sản xuất lương thực của địa phương này đi kèm với các kế hoạch nghiêm ngặt nhằm duy trì và bảo vệ đất nông nghiệp. Các thành phố của Trung Quốc thường có các khu vực thị trấn lớn bên ngoài các quận nội thành. Đất nông nghiệp ở các thị trấn này được bảo vệ để thực hiện chương trình giỏ rau.
Dự trữ thực phẩm
An ninh lương thực ở Trung Quốc cũng được củng cố bởi hệ thống dự trữ lương thực. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã vận hành hệ thống thu mua ngũ cốc và thịt lợn dư thừa với giá thu mua tối thiểu. Đồng thời, giải phóng lượng dự trữ ra thị trường trong trường hợp thiếu lương thực và giá tăng.
Năm 2018, tổng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc ước tính khoảng 120 triệu tấn ngô, 100 triệu tấn gạo, 74 triệu tấn lúa mì và 8 triệu tấn đậu nành. Dự trữ ngũ cốc khẩn cấp đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc đã qua tinh chế trong vòng 10-15 ngày tại các thành phố lớn.
Để đối phó với sự bùng phát của COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã giải phóng một lượng lớn thực phẩm dự trữ cho thị trường của các thành phố lớn.
Đảm bảo "luồng xanh"
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ngay khi bị phong tỏa chống dịch vào đầu năm 2020, mọi cửa ngõ ra vào TP Vũ Hán của Trung Quốc đều bị đóng chặt, ngoại trừ những xe thuộc “luồng xanh” chở hàng hóa sinh hoạt.
Để đảm bảo quá trình vận chuyển hàng hóa thuận lợi, Trung Quốc thiết lập "luồng xanh", cho phép phương tiện chở nông sản đi qua trạm kiểm dịch hoặc trạm thu phí bằng thẻ thông hành do chính quyền cấp tỉnh cấp.
Thẻ thông hành cho phép các phương tiện dễ dàng đi qua các chốt kiểm dịch hoặc các trạm thu phí mà không bị yêu cầu đỗ xe, trả bị hay bị kiểm tra mất nhiều thời gian. Các nhân viên tại chốt kiểm dịch cũng hỗ trợ khử trùng phương tiện, đảm bảo vận chuyển nhanh chóng và an toàn.
Sau khi đến nơi, nhân viên y tế sẽ đo thân nhiệt tài xế, ghi lại lịch trình và khử trùng phương tiện một lần nữa trước khi cho phép vào nội thành.
Tháng 1/2020, Cục Thuế Nhà nước Trung Quốc đã thông báo bất kỳ khoản thu nhập nào từ việc vận chuyển mặt hàng trọng yếu trong khủng hoảng, bao gồm nông sản, đều được miễn thuế giá trị gia tăng. Chính quyền cũng hỗ trợ tài chính để cải thiện các cơ sở lưu trữ và bảo quản lạnh cho các trang trại gia đình và hợp tác xã.
Tại Vũ Hán, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã làm việc với các nhà bán lẻ ở các địa phương khác, kể cả những nơi rất xa như Vân Nam hay Hải Nam, để cung cấp thực phẩm cho thành phố. Họ cũng mạnh tay trấn áp các thương nhân có hành vi tích trữ hoặc đầu cơ để ngăn vật giá leo thang.
Kết quả là dù bị phong tỏa suốt thời gian dài, gần chục triệu dân ở Vũ Hán vẫn không bị thiếu lương thực thực phẩm, khi các siêu thị, cửa hàng vẫn đảm bảo nguồn cung.
Giao hàng không tiếp xúc
Để đạt được hiệu quả và an toàn khi giao hàng "chặng cuối cùng" tới tay người dùng, các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Trung Quốc đã bắt đầu các dịch vụ "giao hàng không tiếp xúc". Khi hàng hóa được vận chuyển đến, khách hàng sẽ được thông báo qua điện thoại. Như vậy, người mua hàng không cần phải tiếp xúc với nhân viên giao hàng, SCMP đưa tin.
Các công ty chuyển phát nhanh thậm chí còn thiết kế những tủ đựng đồ tại các khu dân cư, nhất là chung cư, nhằm đảm bảo mỹ quan, tránh tình trạng lấy nhầm đồ hoặc ăn cắp hàng hóa của người khác.
Tại Bắc Kinh, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan còn sử dụng xe tự lái để giao thực phẩm cho khách hàng. Hãng cũng dùng bìa các tông chắn giọt bắn khi khách hàng dùng bữa ở nơi làm việc. Ở Thượng Hải, hãng Ele.me sử dụng máy bay không người lái giao hàng cho khách tại những khu vực bị cách ly nghiêm ngặt.
Các hạn chế nghiêm ngặt vì dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng vọt. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng phi mã, khối lượng công việc khổng lồ đè nặng lên những tài xế giao hàng, đồ ăn.
Để giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong giao hàng, mô hình chia sẻ lao động được tạo ra. Các nhân viên "nhàn rỗi" của các lĩnh vực khác như ngành ăn uống và ngành bán lẻ đang phải đóng cửa do dịch bệnh sẽ tạm thời gia nhập các công ty thương mại điện tử và làm dịch vụ giao hàng.
Tương tự, một mô hình khác được gọi là "mua theo nhóm cộng đồng" cũng được triển khai để đơn giản hóa việc giao hàng, tiết kiệm lao động và giảm thiểu sự tiếp xúc của mọi người.
Có thể hiểu là cư dân của mỗi một khu phố, khu dân cư có thể đặt hàng thông qua một nhóm chat. Các đơn hàng sẽ được tổng hợp hàng ngày và gửi đến các cửa hàng. Ngày hôm sau, thực phẩm sẽ được chuyển đến khu vực tập kết của nhóm dân cư. Điều này giúp tiết kiệm sức lao động và giảm tiếp xúc trực tiếp.