|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biến chủng Delta thách thức thành quả chống dịch ở những nước từng dẫn đầu trong tiêm chủng

14:24 | 16/08/2021
Chia sẻ
Là những quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên diện rộng, Mỹ và Israel lại một lần nữa phải đối mặt với việc gia tăng số ca nhiễm và phải tiến hành siết chặt biện pháp phòng chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.

Các quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang đã quay trở lại tại Israel. Nhiều cơ sở kinh doanh cũng đã bắt đầu yêu cầu khách hàng phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giấy chứng nhận đã khỏi COVID-19, theo Wall Street Journal.

Những người nhập cảnh phải cách ly trong ít nhất một tuần, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Người trên 60 tuổi hiện đang được đề nghị tiêm nhắc lại mũi vắc xin Pfizer ngừa COVID-19 thứ ba.

Đồng thời, chính phủ cũng đang cân nhắc mở rộng chương trình tiêm nhắc lại cho thanh thiếu niên với hy vọng ngăn chặn sự gia tăng số ca bệnh nghiêm trọng.

Các quan chức y tế cảnh báo rằng Israel có thể phải đối mặt với đợt phong tỏa lần thứ 4 trong kỳ nghỉ lễ Do Thái vào tháng 9 nếu nước này không tiến hành tiêm mũi nhắc lại và tiếp tục mở rộng độ phủ tiêm chủng.

Hiện có khoảng 60% tổng dân số Israel được tiêm chủng hai mũi, chiếm khoảng 80% số người trưởng thành.

Dịch COVID-19 bùng phát sau hơn một tháng bình yên tại Israel

Chỉ hơn một tháng trước, cuộc sống hàng ngày tại Israel đã nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Người dân được phép ăn uống tại nhà hàng hoặc tham dự các buổi hòa nhạc mà không cần giấy chứng nhận tiêm chủng.

Thế nhưng, biến chủng Delta đã khiến quốc gia này phải thay đổi chiến lược. Israel có thể trở thành phép thử cho những gì có thể xảy ra ở những nước khác, kể cả nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 tại Israel đang bùng phát trở lại. (Nguồn: Bloomberg).

"Khoảng thời gian mà chúng tôi vô lo vô nghĩ về mọi thứ thật ngắn ngủi", bà Rena Magun, 61 tuổi, người kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện và du lịch tại Jerusalem cho biết.

Bà Magun nói sẽ tiêm mũi Pfizer thứ ba một khi chắc chắn điều đó là an toàn. “Tôi sẽ đi tiêm tăng cường để có thể lấy lại cảm giác mình như siêu nhân”, bà chia sẻ.

Trong khi đó, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự Israel như Anh cũng gặp phải làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta. Tuy nhiên, số ca nhập viện vẫn ở mức thấp và thậm chí đang giảm, theo dữ liệu chính thức đến đầu tháng 8.

Các chuyên gia y tế Israel đang theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tại Israel cũng sẽ đi theo quỹ đạo của Anh. Nếu không, đây có thể sẽ là tín hiệu đáng lo ngại với các quốc gia khác.

Từ đầu tháng 8, Israel ghi nhận số ca bệnh COVID-19 ở thể nặng tăng gấp đôi và lên tới 400 trường hợp. Trong đó, 240 người đã tiêm chủng đủ hai mũi. Người bệnh hơn 50 tuổi chiếm 90% số ca mắc ở thể nặng, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 10/8 phát biểu.

“Tôi yêu cầu mọi công dân Israel trên 50 tuổi phải hết sức cẩn thận trong những tuần tới", ông Bennett nói.

Tuy số ca bệnh nghiêm trọng vẫn ở mức thấp, tốc độ tăng của con số này khiến nhiều người phải lo ngại. Bệnh viện đang phải chuẩn bị cho việc tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân như những ngày đầu đại dịch, với trung bình gần 4.000 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận hàng ngày.

Để đón đầu đợt bùng dịch và ngăn lượng lớn người dân đổ bệnh, từ tháng 7, Israel đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tiêm mũi Pfizer thứ ba cho người từ 60 tuổi trở lên, dù hiện nay vẫn chưa có chứng cứ lâm sàng cho thấy việc này có hiệu quả hay không.

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất - Ảnh 2.

Chính phủ Israel quyết định tiến hành tiêm chủng vắc xin liều thứ ba cho người từ 60 tuổi trở lên. (Nguồn: Reuters).

Chính phủ Israel đưa ra quyết định trên sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng của vắc xin đối với người đã tiêm chủng trong nhóm tuổi 60 trở lên giảm từ 97% vào tháng 4 xuống còn 81%.

Các chuyên gia Israel cho biết chưa rõ liệu sự suy giảm trong hiệu quả bảo vệ của vắc xin xuất phát từ biến chủng Delta, hệ miễn dịch suy giảm, hay do cả hai yếu tố kết hợp.

Nhà chức trách Israel cho biết hơn 600.000 người từ 60 tuổi trở lên, hơn 30% nhóm tuổi này, đã được tiêm mũi thứ ba kể từ khi chương trình nhắc lại được phê duyệt.

Số ca nhiễm mới gia tăng tại Mỹ

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, với tốc độ ghi nhận trung bình 2.500 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện hàng ngày trong hơn một tuần qua, sau khoảng một tháng nữa, số ca nhập viện có thể sẽ vượt mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi tháng 1, CNN đưa tin.

Hai bang Florida và Louisiana hiện đang ghi nhận số bệnh nhân nặng cần nhập viện ở mức kỷ lục. Tình trạng nhập viện cũng tăng mạnh ở Mississippi và Arkansas, với số ca đạt gần 87% so với thời đỉnh dịch hồi tháng 1. Tại những bang khác như Oregon, Alabama hay Washington, tỷ lệ này là hơn 75%.

Đáng chú ý, số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 có xu hướng trẻ hóa so với những đợt bùng phát trước đây.

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất - Ảnh 3.

Mỹ ghi nhận trung bình 129.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. (Nguồn: Bloomberg).

Theo ông Jeremy Drinkwitz - Chủ tịch điều hành chuỗi bệnh viện Mercy ở Joplin, bang Missouri, cuối năm 2020 xuất hiện tình trạng tăng nhanh trường hợp nhập viện, nhưng thời điểm đó chủ yếu rơi vào nhóm người cao tuổi. Còn hiện tại, số ca nhập viện ở người lớn tuổi giảm xuống, nhưng lại tăng lên ở nhóm đối tượng người trẻ.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ nhập viện gần đây ở những người từ 70 tuổi trở lên chỉ bằng khoảng 1/4 so với hồi tháng 1 vừa qua. Nhưng tỷ lệ nhập viện ở những người trẻ tuổi từ 30-39 tuổi hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Số người dưới 18 tuổi cần nhập viện cũng tăng mạnh hơn so với thời đỉnh dịch hồi tháng 1, với số ca ở mức kỷ lục, xuất phát từ việc số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tăng nhanh so với trước và hiện chiếm khoảng 15% số ca mắc mới.

Làn sóng COVID-19 mới do biến chủng Delta lây lan nhanh đang gây áp lực cho hệ thống y tế trên khắp nước Mỹ. Chính quyền bang Florida ghi nhận số ca nhập viện trung bình hàng ngày cao nhất trên toàn quốc, với tỷ lệ 65 ca/100.000 người, theo dữ liệu của Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.

Theo phân tích dữ liệu từ CDC và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, các tiểu bang có tỷ lệ nhập viện cao hơn trung bình đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn trung bình, bao gồm cả Florida.

Tiến sĩ Stephen Mette, Giám đốc điều hành của UAMS Health ở bang Arkansas, nhận định tỷ lệ tiêm chủng thấp là yếu tố "đầu tiên và quan trọng nhất" góp phần vào sự gia tăng số ca nhập viện mới nhất.

Phần lớn bệnh nhân nhập viện do COVID tại UAMS đều chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Đối với những bệnh nhân đã được tiêm chủng, cho đến nay, tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể, ông Mette cho biết.

Dịch COVID-19 trỗi dậy ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất - Ảnh 4.

Hình ảnh một điểm tiêm chủng tại Mỹ. (Nguồn: Reuters).

Hiện tại Mỹ ghi nhận trung bình 129.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình có 600 người chết mỗi ngày vì COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 tăng cao cũng thúc đẩy nhiều người đi tiêm chủng vì lo sợ dịch bệnh bùng phát ngày càng trầm trọng. Theo báo cáo ngày 13/8, Mỹ đã tiêm được khoảng 918.000 người đã tiêm chủng vào hôm 13/8. Trong số đó bao gồm 576.000 người tiêm mũi đầu tiên. Đây là số lượng tiêm chủng lớn trong ngày kể từ đầu tháng 7, The Hill đưa tin.

Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng dự kiến có chiến lược tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ ba vào đầu tháng 9. Bản kế hoạch này sẽ vạch ra thời điểm và đối tượng nên tiêm nhắc lại.

Phương Trang