|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lòng tham của các hãng dược khiến đại dịch COVID-19 kéo dài không dứt?

20:18 | 15/08/2021
Chia sẻ
Dẫn lời khá nhiều chuyên gia, tờ National Observer của Canada cho rằng các hãng dược đang đặt lợi ích riêng lên trên sinh mạng của người dân. Nếu họ tiếp tục cho phép giá vắc xin tăng cao, đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài.

Vắc xin là thành quả của lòng tham?

Tại một cuộc họp kín cùng các nghị sĩ Đảng Bảo thủ gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng khẳng định: "Chúng ta có thể nghiên cứu thành công vắc xin chính là nhờ chủ nghĩa tư bản, nhờ vào lòng tham".

Tờ National Observer (Canada) nhận xét, bình luận của ông Johnson đang phản ánh một quan điểm khá phổ biến nhưng còn gây tranh cãi, rằng lòng tham là động lực cần thiết để tạo ra tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, lòng tham thực chất có thể dễ dàng đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng. Trong khi các nước giàu ca ngợi thành tựu vắc xin và tất bật triển khai tiêm chủng, thì bức tranh chung trên toàn thế giới lại không đều màu.

Tính đến tháng 5, các nước thu nhập thấp chỉ nhận được khoảng 0,3% nguồn cung vắc xin toàn cầu. Với tốc độ này, phải mất khoảng 57 năm nữa thì họ mới hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Tình trạng chênh lệch trên được cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown gọi là "phân biệt vắc xin" và hệ quả của nó càng trở nên trầm trọng bởi lòng tham của các hãng dược.

Lòng tham của các hãng dược khiến đại dịch COVID-19 kéo dài không dứt? - Ảnh 1.

Một số loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay. (Ảnh: Reuters).

WHO đã triển khai một chương trình thúc đẩy hợp tác và trao đổi dữ liệu giữa các hãng dược mang tên COVID-19 Technology Access Pool. Một năm sau, "không một công ty nào chia sẻ dữ liệu công nghệ cho chương trình", các chính trị gia từ Ấn Độ, Kenya và Bolivia bình luận trên tờ The Guardian hồi tháng 6 năm nay.

Cũng tính đến tháng 6, sáng kiến COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn chỉ phân phối được khoảng 90 triệu liều vắc xin trong tổng số 2 tỷ liều mà cơ quan này hứa hẹn.

Hiện tại, các công ty dược lớn vẫn tiếp tục phản đối đề xuất miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin (patent waivers), tức là họ không đồng ý cho các hãng dược địa phương sản xuất vắc xin.

Theo lời các ông lớn ngành dược, miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin sẽ làm chậm tiến độ sản xuất hiện tại và làm tăng nguy cơ xuất hiện vắc xin giả trên thị trường.

Tất cả lập luận trên đang muốn chứng minh rằng bằng sáng chế và giá thuốc cao là những động lực cần thiết để đổi mới công nghệ y sinh. Song, theo National Observer, dường như luận điểm này không thuyết phục.

Những con người thầm lặng

Chẳng phải lòng tham, mà là một nỗ lực hợp tác to lớn và được tài trợ phần nhiều bằng ngân sách chính phủ, mới chính là động lực tạo ra vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả. Trong đó, các nhà khoa học là mắt xích quan trọng bậc nhất.

Trên thực tế, công nghệ đằng sau vắc xin mRNA do Pfizer và Moderna sử dụng đã được các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania, những người công chúng có thể chưa bao giờ nghe đến, nghiên cứu từ hàng chục năm trước.

Theo The New York Times, một trong các nhà khoa học đứng sau công trình trên, bà Katalin Kariko chưa bao giờ kiếm quá 60.000 USD/năm. Con số này chỉ xấp xỉ 0,01% mức thu nhập trung bình của CEO một hãng dược.

Hay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, những người đã phát triển công nghệ đằng sau vắc xin của AstraZeneca, chủ yếu nhận tài trợ công. Ban đầu, họ dự tính sẽ cấp phép miễn phí công nghệ vắc xin của mình.

Chỉ sau khi Quỹ Bill & Melinda Gates gây áp lực, họ mới nhượng bộ và chỉ cấp phép độc quyền công nghệ này cho AstraZeneca, theo National Observer.

Sau đó, CEO Pascal Soriot của AstraZeneca lại lên tiếng cho rằng, sở hữu trí tuệ (IP) là "một phần quan trọng của ngành công nghiệp dược, nếu chúng tôi không bảo vệ IP thì về cơ bản không ai có động lực nghiên cứu".

Tuy nhiên, các nhà khoa học của Đại học Oxford thực chất đã tìm tòi, đổi mới công nghệ vắc xin mà không cần có "động lực" như ông Soriot đã khẳng định.

Lòng tham của các hãng dược khiến đại dịch COVID-19 kéo dài không dứt? - Ảnh 2.

Ông Pascal Soriot, CEO của hãng dược AstraZeneca. (Ảnh: La Repubblica).

Doanh nghiệp dược có đang lừa dối công chúng?

Có thể, điều mà ông Soriot muốn truyền tải là doanh thu sụt giảm sẽ khiến chi tiêu của AstraZeneca cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nói chung đi xuống. Dù vậy, ngay cả nhận định này cũng đáng ngờ.

Đầu tháng 8, Financial Times dẫn tài liệu hợp đồng và thông tin từ một số quan chức cho biết, giá vắc xin của Pfizer ở châu Âu sẽ được nâng từ 15,5 EUR/liều lên 19,5 EUR/liều, còn Moderna tăng giá từ 19 EUR lên 25,5 EUR/liều.

Gần đây, một số nước như Mỹ đang tính đến kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân, như vậy doanh thu của các hãng dược sẽ còn tăng đáng kể so với ước tính ban đầu của các nhà phân tích.

Khi các công ty dược phẩm tuyên bố rằng giá vắc xin cao là điều cần thiết để tạo ra công nghệ mới, thì dựa theo nghiên cứu của chuyên gia tài chính Yves Smith vào năm 2019, họ đang "nối dối trắng trợn".

Hợp tác cùng viện Institute for New Economic Thinking, ông Smith đã trích dẫn một số dữ liệu cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2018, ngân sách mà 18 hãng dược niêm yết trên S&P 500 chi để mua lại cổ phiếu và thanh toán cổ tức cao hơn số tiền rót tiền vào R&D khoảng 14%.

Theo ông Smith và các đồng tác giả của nghiên cứu, những công ty trên có thể tăng cường đầu tư vào cải tiến công nghệ dược phẩm bằng cách hạn chế chi trả cổ tức cho cổ đông.

Còn theo một báo cáo mới của Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Mỹ, trong số tiền mà các hãng dược đầu tư vào R&D, một phần đáng kể không được chi cho nghiên cứu mới mà để "tìm cách ngăn chặn sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự và để tăng giá bán".

Kết luận, tờ National Observer cho rằng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu cho phép các hãng dược đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên sinh mạng của người dân trên khắp thế giới. Trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như COVID-19, lòng tham sẽ không cứu được chúng ta.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.