Số ca nhiễm và nhập viện tăng cao tại Mỹ, vắc xin vẫn đang cứu sống hàng triệu người dân nơi đây
Số trẻ em nhập viện do COVID-19 tăng cao
Vào ngày 14/8 vừa qua, Mỹ ghi nhận số ca trẻ em nhập viện do COVID-19 cao kỷ lục với 1.902 trường hợp trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam của quốc gia này phải gồng mình chống lại đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, biến thể Delta đang nhanh chóng lan rộng trong bộ phận người dân Mỹ chưa tiêm chủng và khiến số ca nhập viện tăng đột biến trong những tuần gần đây.
Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì COVID-19. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện nằm trong độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng lên mức cao kỷ lục trong tuần này.
Theo Đại học Johns Hopkins, trong hơn hai tuần đầu tiên của tháng 8, Mỹ đã ghi nhận trên 1,5 triệu ca COVID-19 mới, gấp hơn 3 lần so với số ca mới của hai quốc gia đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách các quốc gia ghi nhận số nhiễm nhiều nhất thế giới là Iran và Ấn Độ. Số ca mới trung bình trong 7 ngày tại Mỹ lên đến 135.000 ca, vượt xa các quốc gia khác.
Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình 600 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19, gấp đôi tỷ lệ tử vong vào cuối tháng 7.
Các bang Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi và Oregon đã ghi nhận số ca nhập viện do COVID-19 cao kỷ lục trong tháng này, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.
"Điểm nóng" dịch bệnh tại Mỹ đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Kênh truyền hình CNN đưa tin, Mỹ nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới cao nhất thế giới, phần lớn là do gia tăng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở miền Nam nước này khi nhiều bang chậm trễ trong việc tiêm chủng.
Dựa trên phân tích các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, cả 5 tiểu bang của Mỹ gồm Florida, Louisiana, Hawaii, Oregon và Mississippi đều phá vỡ các kỷ lục trước đó về số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày tính đến ngày 15/8.
Khi so sánh giữa các tiểu bang, Louisiana có tỷ lệ ca mới trên đầu người cao nhất, tiếp đến là Florida. Trung bình hàng ngày có tới 5.800 ca COVID-19 mới được ghi nhận tại Louisiana, tăng 50% so với mức cao nhất ghi nhận giữa tháng 1 năm nay.
Số ca nhiễm COVID-19 tại bang Florida chiếm 1/5 tổng số ca nhiễm trên toàn quốc với tổng số bệnh nhân nhập viện đã đạt kỷ lục 16.100 trường hợp vào ngày 14/8. Theo dữ liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, hơn 90% số giường chăm sóc đặc biệt của tiểu bang đã được lấp đầy.
Theo CNBC, trên toàn nước Mỹ có khoảng 11% tổng số giường bệnh đang được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Số ca nhập viện có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ tiêm chủng. Các tiểu bang có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ có ít bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng, phải điều trị ICU.
Bang Louisiana đã tiêm phòng đầy đủ cho 38,3% cư dân, có 20,4% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19.
Bang Florida đã tiêm phòng đầy đủ cho 50,3% cư dân, có 28,2% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19.
Bang Mississippi đã tiêm phòng đầy đủ cho 35,8% cư dân, có 18,7% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19.
Bang Oregon đã tiêm phòng đầy đủ cho 56,8% cư dân tại bang, có 11,4% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19.
Bang Hawaii đã tiêm phòng đầy đủ cho 54,3% cư dân, có 12,1% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19.
Theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco: "Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin chính là lý do vì sao Florida, Louisiana và Mississippi đang phải đối mặt với sức ép khi số trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 tăng cao."
"Trong khi đó, tại Oregon và Hawaii mặc dù cũng đang chịu ảnh hưởng bởi số ca nhiễm tăng nhanh nhưng cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao và quy định về việc đeo khẩu trang sẽ giúp những nơi này có thể không rơi vào tình cảnh tương tự", ông Peter Chin-Hong nhận định.