|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ca cộng đồng giảm rõ rệt, Hà Nội liệu có nới lỏng giãn cách sau ngày 23/8?

17:03 | 19/08/2021
Chia sẻ
Thủ đô Hà Nội đã trải qua một tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, các chùm ca bệnh lớn đã nhiều ngày không có thêm trường hợp mắc mới, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày đã có xu hướng giảm.

Hà Nội có cần phải tiếp tục giãn cách xã hội?

Đến 6h ngày 23/8 tới đây, Hà Nội sẽ hoàn thành một tháng giãn cách xã hội. Việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách hay không là điều mọi người dân Thủ đô quan tâm lúc này.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong một tuần qua (từ ngày 13/8), số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Hà Nội duy trì ở mức 40-60 ca mỗi ngày.

Đáng chú ý số ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội đã giảm đi rõ rệt, từ việc chiếm tỷ lệ 50-60% tổng số ca mỗi ngày xuống còn khoảng 30%. 

Thêm một tín hiệu tích cực là Nội hiện đang thực hiện xét nghiệm diện rộng tuy nhiên số ca mới không tăng mạnh.

Ca cộng đồng giảm rõ rệt, Hà Nội liệu có nới lỏng giãn cách sau ngày 23/8? - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ hết giãn cách đợt hai vào ngày 23/8 tới đây. (Ảnh: Zing).

Về vấn đề này, hôm 14/8, theo báo Chính phủ, ông Lê Văn Dương, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết Hà Nội rất cần thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện bóc, tách trường hợp F0 khỏi cộng đồng, kể cả việc phải thực hiện giãn cách trong dịp 2/9.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao, qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm "5K" là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.

Chia sẻ với người viết, anh Hoàng Minh, đang tham gia lực lượng phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội cho hay ở thời điểm hiện tại số lượng ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày vẫn cao, vẫn có các ca F0 ghi nhận trong cộng đồng, nên nếu như không giãn cách thì sẽ rất khó trong việc truy vết và kiểm soát dịch.

Anh nói thêm: "Sắp tới thời điểm mùng 2/9 là thời gian nghỉ lễ nên nếu không duy trì giãn cách thì đó sẽ là thời điểm người dân đi du lịch, về quê… nhất là sau thời gian dài không được ra khỏi nhà nên việc di chuyển sang các địa phương khác cũng như từ các địa phương khác quay về là không tránh khỏi, điều này có thể sẽ làm mất thành quả phòng chống dịch trong thời gian vừa qua.".

Bên cạnh đó, anh Minh cho rằng số ca nhiễm trên cả nước và những địa phương lân cận vẫn cao mà Hà Nội lại là trung tâm của mọi hoạt động, nên các biện pháp phòng chống dịch vẫn cần đặt ở mức cao nhất cho đến khi tình hình dịch bệnh chung trên cả nước được kiểm soát.

Đồng quan điểm, anh Quang Hạnh, một lái xe taxi sân bay Nội Bài ở Hà Nội cũng cho rằng nên tiếp tục giãn cách nếu tình hình dịch chưa thể được kiểm soát.

Số ca dương tính đang có xu hướng giảm

Tận dụng "thời gian vàng" của những ngày giãn cách xã hội vừa qua, nhiều giải pháp quyết liệt đã được Hà Nội triển khai để ngăn ngừa dịch bệnh.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay cũng được thực hiện như vùng xanh, mở chợ lưu động, mở mặt trận xét nghiệm diện rộng cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử. 

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội bước đầu đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây bệnh, tuy nhiên, nguy cơ của dịch bệnh vẫn rất cao do vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng.

n - Ảnh 1.

Số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày ở Hà Nội từ 24/7 - 18/8. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Sau gần 4 tuần thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 24/7 - 18/8, Thủ đô Hà Nội đã phát hiện thêm tổng cộng 1.694 ca nhiễm COVID-19, số ca nhiễm ghi nhận mỗi ngày tăng giảm thất thường.

Tuy nhiên số ca mắc trung bình mỗi ngày trong 3 tuần giãn cách vừa qua đang có xu hướng giảm nhẹ, cụ thể số ca nhiễm trung bình mỗi ngày ở tuần giãn cách thứ hai là 78 ca, tuần thứ ba trung bình 69 ca/ngày, tuần thứ 4 giảm còn trung bình 47 ca/ngày.

n - Ảnh 2.

Số ca COVID-19 theo nguồn phát hiện ở Hà Nội 24/7 - 18/8. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Trong tổng số ca nhiễm COVID-19 phát hiện trong thời gian giãn cách xã hội, có 118 trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng (chiếm 7%); 1.177 trường hợp ho sốt thứ phát tại cộng đồng (là các ca bệnh tiếp xúc gần với ca bệnh phát hiện qua sàng lọc các trường hợp ho sốt tại cộng đồng) chiếm đến 70%; 391 trường hợp còn lại được xác định từ các chùm ca bệnh ở Hà Nội (chiếm 23%).

n - Ảnh 3.

Số ca COVID-19 mới mỗi ngày ở Hà Nội theo nguồn phát hiện từ 24/7 - 18/8. (Nguồn dữ liệu: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).

Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 từ các chùm ca bệnh lớn của Hà Nội như chùm ca bệnh liên quan Công ty thực phẩm Thanh Nga; Bệnh viện Phổi Hà Nội; Nhà thuốc Đức Tâm; Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng; B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng; Tân Mai, Hoàng Mai; Công ty SEI; Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang và TP HCM,... đã giảm mạnh.

Nếu như trong tuần đầu giãn cách, mỗi ngày Thủ đô ghi nhận thêm trung bình 30 ca nhiễm từ các chùm ca bệnh thì đến tuần thứ 4, con số này giảm gần 8 lần, còn trung bình 4 ca mỗi ngày, đặc biệt trong 3 ngày liên tiếp vừa qua (16/8 - 18/8) không ghi nhận ca nhiễm nào từ các chùm ca bệnh.

Bên cạnh đó, số ca nhiễm phát hiện từ sàng lọc ho sốt cộng đồng cũng đang có xu hướng giảm, cụ thể ở tuần giãn cách thứ hai ghi nhận trung bình 6 ca mỗi ngày giảm còn trung bình 2 ca mỗi ngày ở tuần giãn cách thứ 4 vừa qua. 

Tuy nhiên, số ca nhiễm ho sốt thứ phát tại cộng đồng phát hiện thêm mỗi ngày vẫn duy trì ở mức khá nhiều. Đặc biệt, những ngày vừa qua Hà Nội triển khai sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao đã phát hiện thêm 8 người nhiễm.

Quyết tâm bóc tách triệt để F0 nhanh nhất có thể, làm cơ sở ra quyết định

Ca cộng đồng giảm rõ rệt, Hà Nội liệu có nới lỏng giãn cách sau ngày 23/8? - Ảnh 5.

Hà Nội đang triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước tới nay nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Nhìn lại các lần Hà Nội nới lỏng giãn cách, có thể thấy quyết định này chỉ được đưa ra khi tất cả các chùm ca bệnh đều được khống chế, ít nhất 7 ngày liên tiếp không ca mới trong cộng đồng. 

Cụ thể như hồi cuối tháng 4, Hà Nội bắt đầu ghi nhận nhiều ca bệnh. Tới ngày 22/6, Hà Nội đã dần nới lỏng và cho phép mở cửa lại một số dịch vụ sau khi 16 chùm ca bệnh đã được kiểm soát; 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ và 7 ngày liên tiếp không phát hiện ca cộng đồng.

Ở hiện tại, các chùm ca bệnh lớn của thành phố đã gần như được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn các F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện. 

Do đó, từ ngày 18/8 đến 20/8, Hà Nội tiếp tục triển khai đợt hai lấy một triệu mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao để bóc tách triệt để F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. 

Kết quả trong đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng lần hai này sẽ là một trong các điều kiện quan trọng để Hà Nội xem xét việc có tiếp tục giãn cách hay dừng giãn cách xã hội.

Trước đó, chỉ trong chưa đầy một tuần (từ ngày 10/8 đến 15/8), thành phố đã hoàn thành lấy 313.010 mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng đợt một tại các khu vực có yếu tố nguy cơ. Qua đó phát hiện 29 ca dương tính, 312.981 mẫu còn lại âm tính với virus SARS-CoV-2.

Về tốc độ tiêm chủng, đến hết ngày 14/8, Hà Nội đã tiêm được 1.539.425 mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 với số người dân Thủ đô đã được tiêm là 1.455.049 (chiếm tỷ lệ 17,7% dân số).

Diệu Nhi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.