Biến chủng Delta khiến Mỹ quay lại vị trí tâm dịch thế giới
Cụ thể, hiện thế giới có 210.050.202 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.404.265 người không qua khỏi. Số ca hiện đang điều trị là 17.465.775 ca, trong đó có 108.043 ca trong tình trạng nguy kịch. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 692.706 ca mắc và 10.432 ca tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 18/8, thế giới có 154 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới, 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên thế giới, với 38.072.656 ca nhiễm và 641.346 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Mỹ cũng ở mức cao nhất thế giới với 152.578 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 32.239.249 ca mắc, trong đó có 431.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 571.662 ca tử vong trong tổng số trên 20 triệu ca mắc.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 61 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 977.600 ca tử vong trong hơn 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 964.300 ca tử vong trong hơn 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.800 người.
Mỹ: Hơn 150.000 ca mắc mới mỗi ngày
Sự xuất hiện của biến thể Delta đã và đang đảo ngược hầu hết thành quả chống dịch của các nước trong các làn sóng lây nhiễm trước đây và ngay cả đối với những nước đã có độ bao phủ vắc xin cao trên thế giới.
Sau một thời gian hạ nhiệt, ngày 18/8, Mỹ lại quay lại vị trí tâm dịch thế giới với trên 150.000 ca dương tính, trong đó, các ca nhiễm chủng Delta chiếm gần như 100% số ca mới.
Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã ghi nhận trên 1.000 ca tử vong trong ngày 18/8, tức là cứ 1 giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi Thống kê của hãng tin Reuters cho thấy số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong tháng qua và hiện nay ở mức trung bình 769 ca/ngày, mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 4. Lần gần nhất Mỹ ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 1.000 ca/ngày là vào tháng 3.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch như yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đến giữa tháng 1/2022.
Từ ngày 17/8, người dân thành phố New York bắt đầu phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi vào các nhà hàng, phòng tập gym và rạp chiếu phim.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ quan điểm về việc tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3, theo đó khẳng định ông không đồng tình với quan điểm của các nhà lãnh đạo trên thế giới về việc người dân các nước cần được tiêm mũi đầu tiên vắc xin, trước khi Mỹ triển khai việc tiêm mũi bổ sung. Trong một tuyên bố, ông nhấn mạnh Mỹ vừa có thể chăm lo cho người dân nước này, vừa có thể hỗ trợ thế giới.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, người dân Mỹ cần tiêm mũi bổ sung 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Trong khi đó, Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ thông báo người dân Mỹ có thể đi tiêm mũi bổ sung đại trà cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20/9 tới.
Hiện việc tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ 3 vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Trong một tuyên bố, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan khẳng định những dữ liệu hiện tại không cho thấy điều này là cần thiết.
Cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng “hiện có đủ vắc xin trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”.
Theo ông Aylward, việc tiêm đủ hai mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ hai mũi. Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.
Giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cũng chỉ trích các nước giàu khi vội vàng triển khai việc tiêm mũi bổ sung vắc xin ngừa COVID-19, trong khi hàng triệu người trên thế giới chưa nhận được bất cứ liều vắc xin nào.